Cần chuẩn hóa hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện

Hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện là vô cùng cần thiết và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các cơ sở y tế. Do đó, cần chuẩn hóa hoạt động này để hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Ngày 21-11, tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện và xin ý kiến sửa đổi về Thông tư 43/2015/TT-BYT quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện” khu vực phía Nam do Bộ Y tế tổ chức, các chuyên gia cho rằng, hoạt động công tác xã hội (CTXH) trong bệnh viện là vô cùng cần thiết và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các cơ sở y tế.

Do đó, cần chuẩn hóa hoạt động này để hoạt động CTXH trong bệnh viện ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nay, về cơ cấu nhân lực trong lĩnh vực CTXH chủ yếu là kiêm nhiệm (chiếm hơn 60%), trong khi đó tỷ lệ cán bộ/nhân viên của phòng/tổ CTXH được đào tạo chuyên ngành CTXH còn thấp. Hiện vẫn chưa có chương trình đào tạo nhân viên CTXH làm việc trong bệnh viện/cơ sở khám chữa bệnh; chưa có chuẩn năng lực nhân viên CTXH trong cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc triển khai các nhiệm vụ này trong bệnh viện chưa được đầu tư đúng mức. Rất ít bệnh viện có nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ CTXH, hầu hết nguồn kinh phí chủ yếu từ các nhà tài trợ, nhà hảo tâm. Một vấn đề quan trọng là chế độ đãi ngộ đối với nhân viên CTXH trong bệnh viện chưa phù hợp.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu tại hội thảo

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu tại hội thảo

Chia sẻ kinh nghiệm tại bệnh viện, ThS Trần Văn Hùng, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho rằng, cần có quy định về chuẩn năng lực của nhân viên CTXH trong bệnh viện và họ cũng cần được cấp chứng chỉ hành nghề như nhân viên y tế khác. Cùng với đó, cần xem xét bổ sung thêm nhiệm vụ của nhân viên CTXH là đánh giá, can thiệp tâm lý xã hội trên người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Đồng quan điểm, nhiều đại biểu cũng kiến nghị, việc thành lập phòng CTXH trong bệnh viện là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, đối với các cơ sở không thành lập được phòng CTXH thì có thể lập các tổ CTXH và các tổ này không nhất thiết phải quy định là trực thuộc phòng, ban nào mà để các bệnh viện có quyền tự quyết định dựa theo đặc thù nhiệm vụ, quy mô hoạt động và sự sắp xếp của đơn vị.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nhân viên y tế trong các hoạt động CTXH của bệnh viện. Hiện nay, nhân viên y tế đang phải đối mặt với nhiều áp lực và khó khăn khi tiền lương và chế độ đãi ngộ chưa phù hợp. Do đó, đội ngũ CTXH cần hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế; kết nối và điều phối nguồn lực để trợ giúp về tài chính và vật chất cho nhân viên y tế có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời đóng vai trò cải thiện mối quan hệ giữa nhân viên y tế với người bệnh, người nhà bệnh nhân...

Theo PGS-TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), hiện nay tại Việt Nam, 100% các bệnh viện tuyến trung ương thành lập phòng/tổ CTXH; tỷ lệ này ở bệnh viện tuyến tỉnh là 96,8%; ở bệnh viện tuyến quận/huyện là 89,9%.

Qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, hoạt động CTXH trong các cơ sở y tế đang từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa ở các khía cạnh về hệ thống văn bản pháp luật, nguồn nhân lực, đào tạo/tập huấn, nghiên cứu khoa và và các hoạt động về công tác xã hội.

Tin cùng chuyên mục