
Tuần qua, báo SGGP đã khởi đăng loạt bài “Chống buôn bán phụ nữ - từ đâu?” nêu lên thực trạng đau lòng mà nạn nhân của bọn buôn người phải gánh chịu, đồng thời báo động một tệ nạn “nóng” cần được giải quyết tận gốc rễ. Dưới đây chúng tôi trích đăng ý kiến của bạn đọc và đại diện các ban, ngành xung quanh vấn đề này.
ĐỖ VĂN ẢNH (phường Bến Nghé quận 1):
Cần một giải pháp đồng bộ từ địa phương
Theo dõi loạt bài: “Chống buôn bán phụ nữ – từ đâu?” trên báo SGGP, tôi hết sức đau lòng vì vấn đề này chưa được ngăn chặn một cách hiệu quả. Buôn bán phụ nữ là tước đi nhân quyền của con người, đó là một tội ác. Những kẻ buôn người phải bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc. Kẻ buôn người không sợ pháp luật trừng phạt thì rất khó chống nạn buôn bán phụ nữ triệt để. Vì thế, cần phải hoàn thiện pháp luật, đưa tội danh buôn người vào xử phạt hình sự với khung hình phạt thật nặng.

Không phải không có lý khi nói rằng nạn buôn bán phụ nữ lan rộng trong thời gian qua là do sự hoạt động thiếu tích cực và hiệu quả của các cấp hội phụ nữ ở cơ sở. Phần lớn những nạn nhân của bọn buôn người thường là ở quê xa, cuộc sống nghèo khó, không có việc làm và đặc biệt là thiếu các thông tin tuyên truyền. Chi hội phụ nữ nên phối hợp với các tổ chức đoàn thể khác ở địa phương để tuyên truyền ngăn chặn tình trạng này từ cơ sở. Quan trọng hơn, chi hội phụ nữ xã cần phối hợp với trung tâm dạy nghề tỉnh đào tạo nghề cho chị em ở thôn quê các nghề thủ công như: dệt thổ cẩm, làm bánh, đan tre, mây v.v…
Đài truyền thanh xã nên liên tục phát sóng các bản tin, bài báo, những dẫn chứng cụ thể để chị em phụ nữa địa phương nắm bắt kịp thời. Khi chị em phụ nữ vỡ mộng về ước mơ đổi đời thông qua những cảnh ngộ không may của những chị em khác và khi có nghề nghiệp, việc làm ổn định, chắc chắn chị em sẽ chí thú làm ăn ngay tại quê nhà.
Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, NGUYỄN VĂN MINH: Sẽ có quy trình tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân trở về nước
Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (TNXH) thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận gần 500 trường hợp phụ nữ và trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài trở về. Thực tế này cho thấy tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em ngày càng phát triển, trong đó những hình thức buôn bán phụ nữ trá hình qua con đường kết hôn, du lịch việc làm… ngày càng tinh vi, phức tạp. Chính vì thế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng quy trình tiếp nhận và hỗ trợ các nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài trở về nước. Dự kiến đến tháng 9-2006, quy định này sẽ được ban hành.
Theo quy trình này, các nạn nhân trở về sẽ được tiếp nhận qua các đường cửa khẩu, hàng không, biển, được phía nước ngoài trao trả chính thức hoặc tự nguyện trở về. Sau khi xác định đối tượng và phân loại, các nạn nhân sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ cụ thể như ăn uống, chữa bệnh, trở về quê nhà hoặc được tiếp nhận vào các trung tâm bảo trợ xã hội để học nghề, tạo việc làm, học văn hóa… Riêng các nạn nhân có nhu cầu trở về địa phương sẽ được hỗ trợ vốn để tạo việc làm, học nghề và nếu có con cái sẽ được nhập hộ khẩu… Tất cả những giải pháp đồng bộ này sẽ tạo điều kiện, giúp đỡ các nạn nhân sớm hội nhập với xã hội và gia đình.
Tuy nhiên, theo tôi để giải quyết tận gốc tệ nạn này, ngoài các giải pháp về kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho phụ nữ, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm để ngăn chặn, triệt phá ngay từ đầu những đường dây dụ dỗ đưa phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài.
Đại sứ VN tại Malaysia, NGUYỄN QUỐC DZŨNG: Cần có quỹ hỗ trợ đưa các nạn nhân trở về nước càng sớm càng tốt
Hiện chưa có số liệu chính xác về số phụ nữ VN đi theo đường “chui” hoặc bị buôn bán sang Malaysia hoạt động mại dâm, bị bóc lột sức lao động. Thế nhưng, từ những vụ việc cảnh sát Malaysia phát hiện, phá án và đưa một số phụ nữ VN hoạt động mại dâm trở về nước cho thấy thực trạng buôn bán phụ nữ qua biên giới, trong đó có Malaysia, rất đáng báo động.
Theo tôi phải có giải pháp tổng thể, đồng bộ trong nước kết hợp với ngoài nước mới có thể ngăn chặn tệ nạn xã hội nghiêm trọng này. Theo kế hoạch, sắp tới Bộ Công an sẽ cử đoàn công tác sang làm việc với cảnh sát Malaysia để phối hợp xử lý, ngăn chặn tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em giữa hai nước. Về phía chúng tôi, Đại sứ quán VN tại Malaysia sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của phía bạn điều tra, truy tìm và xử lý nghiêm những đường dây mua bán phụ nữ VN vào mục đích kinh doanh, trục lợi. Khi phát hiện ra những nạn nhân của tệ nạn buôn bán người chúng tôi sẽ bảo vệ và tìm cách đưa họ về nước càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cái khó của chương trình này là thiếu kinh phí.
Thời gian vừa qua, nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ những nạn nhân bị lạm dụng tình dục và buôn bán ra nước ngoài trở về. Vì thế, Đại sứ quán phải nhờ các tổ chức xã hội, nhân đạo và phía Malaysia giúp đỡ đưa họ về nước. Chính vì vậy để làm tốt việc đưa các nạn nhân bị rơi vào đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em về nước, nhà nước phải thành lập quỹ hỗ trợ và chi kinh phí cho hoạt động này.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, Trung tướng NGUYỄN VIỆT THÀNH: Tốn kém bao nhiêu cũng phải giải cứu, đưa các nạn nhân trở về
Chúng ta có trong tay rất nhiều tai mắt của dân, của các cấp hội, đoàn thể rất gần dân nhưng vì sao nạn buôn người vẫn hoành hành, các tổ chức môi giới -hàng ngày hàng giờ vẫn dụ dỗ, lôi kéo các cô gái quê, nghèo khó vào đường dây của chúng? Phải chăng vì các đường dây môi giới, buôn người “gần” dân hơn nên mới “thắng” được các tổ chức, đoàn thể xã hội?
Theo tôi, vấn đề này cần được đánh giá một cách nghiêm túc, toàn diện vì đây là vấn đề cấp bách cần sự nỗ lực của toàn xã hội. Bài toán căn cơ nhất để có thể đẩy lùi từng bước làn sóng lấy chồng ngoại của các cô gái trẻ vốn dễ bị bọn buôn người lừa gạt, đó là các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công an ấp, xã, phường… cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, giải thích những tác hại của việc các cô gái trẻ vì quá dễ dãi trong lựa chọn hôn nhân, mơ thoát nghèo để rồi rơi vào cạm bẫy của bọn tội phạm. Việc tuyên truyền phải được thực hiện theo bề sâu, về tận thôn xóm, xã phường chứ không là những phong trào chung chung.
Trong tình hình hiện nay, ngành công an chỉ có thể xử lý tội phạm tức tập trung triệt phá các đường dây buôn người, giải cứu những nạn nhân mà bọn buôn người chuẩn bị đưa ra nước ngoài. Còn việc làm thế nào để giải cứu, đưa số nạn nhân đã bị buôn bán ra nước ngoài, hiện đang nằm trong tay bọn buôn người về nước là việc ngoài tầm tay. Có thể nói đến nay số nạn nhân này sống như thế nào, bị bóc lột tình dục, bóc lột sức lao động ra sao sau khi bị buôn bán ra nước ngoài thì hiện chưa có ban, ngành nào nắm rõ.
Theo tôi, cho dù chúng ta có phải tốn kém bao nhiêu đi nữa, cũng phải nhanh chóng tìm ra biện pháp để giải cứu, đưa các nạn nhân trở về để đào tạo, hướng nghiệp giúp họ làm lại cuộc đời. Vì đây không chỉ là việc làm cấp bách mang tính nhân đạo mà hơn cả là lấy lại phẩm giá của người phụ nữ Việt Nam.
Cần có thêm nhiều trung tâm hỗ trợ hôn nhân có yếu tố nước ngoài hoạt động hợp pháp để giúp các cô gái Việt Nam tránh được nguy cơ rơi vào tay bọn buôn người. Trong ảnh, một buổi tư vấn hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Trung tâm hỗ trợ kết hôn.
Các cô dâu tương lai được hướng dẫn cách thức chế biến các món ăn Hàn Quốc tại Trung tâm hỗ trợ kết hôn (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM).
Nhóm PV
Tin, bài liên quan:
Bài 3: Giải pháp cho một tệ nạn “nóng”?