Cần cụ thể hóa quy định thế nào là "thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết"

"Chúng ta luôn nói chính sách an cư phải đi trước thu hồi đất, rất hay. Muốn có tái định cư phải thu hồi đất của dân chứ đất ở đâu để tái định cư. Nhưng khi thu hồi đất của dân để làm tái định cư thì người dân hỏi tái định cư ở đâu. Như vậy sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn không lối ra”, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Trần Văn Bảy đặt vấn đề và cho rằng quan trọng là giá bồi thường tái định cư, có thể bằng, thậm chí cao hơn thị trường và người dân sẽ tự quyết định cuộc sống của họ.

Ngày 10-3, Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức hội thảo khoa học góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Để người dân tự quyết định cuộc sống của họ

Đánh giá chung về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, nhận xét có nhiều nội dung được sửa đổi phù hợp với thực tiễn. Song vẫn cần sửa đổi một số chi tiết để phù hợp hơn. Cụ thể, tại Điều 60, nên đồng ý thực hiện quy hoạch từ trên xuống, có sự đóng góp ý kiến của cấp dưới, trong đó có thể khoanh vùng hợp lý với các thửa đất có cùng mục đích sử dụng; rút ngắn thời gian thông báo thu hồi đất.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Về nguyên tắc bồi thường tái định cư, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định bồi thường phải đảm bảo chỗ ở, thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; đồng thời việc tái định cư phải thực hiện trước khi thu hồi đất. Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM đánh giá, đây là chủ trương rất nhân văn nhưng khó thực hiện. Vì vậy cần thêm điều kiện cụ thể cho nguyên tắc này cũng như có thể cho phép tiến hành đồng thời dự án thu hồi và dự án xây nhà tái định cư, trong thời gian chờ đợi có thể linh hoạt thực hiện chính sách tạm cư.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Trần Văn Bảy cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hồi đất và chính sách bồi thường tái định cư. Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã thu hẹp các trường hợp thu hồi đất bắt buộc, nhưng vẫn có gì đó chưa thực sự chặt chẽ.

Trong khi, Hiến pháp quy định rất rõ, trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng - an ninh, vì phát triển kinh tế - xã hội, quốc gia, công cộng thì nhà nước mới thu hồi đất và bồi thường thoả đáng theo quy định của pháp luật. Ông Trần Văn bảy cho rằng phải cụ thể hoá quy định này của Hiến pháp, thế nào là thật cần thiết; hay vì phát triển kinh tế - xã hội, vì quốc gia, công cộng thì ở mức độ nào mới thu hồi. Trách nhiệm của luật lần này là phải cụ thể hoá được tinh thần của Hiến pháp.

Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nêu ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội thảo.

Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nêu ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội thảo.

Nhắc đến một chính sách rất nhân văn là tái định cư phải đi trước thu hồi đất, Phó Giám đốc Sở TN-MT đặt vấn đề, lý tưởng là vậy nhưng thực tế có làm được không? “Tưởng chừng quy định tốt đẹp ấy nhưng lại trói buộc sự phát triển”, ông nêu ý kiến và kiến nghị cân nhắc nội dung trên.

Ông phân tích thêm, về "vòng luẩn quẩn không lối ra" trước yêu cầu tái định cư ở những dự án lớn. Chính sách an cư phải đi trước thu hồi đất là rất hay. Vậy nhưng, muốn có tái định cư phải thu hồi đất, mà khi thu hồi đất của dân để làm tái định cư thì người dân hỏi tái định cư ở đâu.

Từ đó, ông cho rằng, điều quan trọng là giá bồi thường tái định cư, có thể bằng, thậm chí cao hơn thị trường và người dân sẽ tự quyết định cuộc sống của họ. Đương nhiên nhà nước cũng vẫn phải có trách nhiệm trong việc chuyển đổi công việc, đào tạo nghề.

Phó Giám đốc Sở TN-MT Trần Văn Bẩy góp ý tại hội thảo

Phó Giám đốc Sở TN-MT Trần Văn Bẩy góp ý tại hội thảo

Đồng quan điểm với các ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn, cũng đặt thêm vấn đề về giá. Theo ông, vấn đề về giá cần tiếp tục có cơ chế để xử lý. Có 3 chuyện luật phải quy định rõ ràng. Đó là quy định bất kỳ giao dịch phải qua sàn và có cơ chế kiểm soát giao dịch qua sàn thì chúng ta mới có cơ chế đánh giá định lượng. Cùng với đó, cần phải xác định rõ hơn vai trò của đơn vị có chức năng nghiệp vụ về giá.

Các thủ tục chỉ có giá trị tham khảo. Giá trị tham khảo này khi đưa lên các sở, ngành và cơ quan thẩm định giá cũng chỉ để tham khảo và quyết định cuối cùng vẫn là cơ quan nhà nước. Như vậy, cơ quan nhà nước đang làm 3 trách nhiệm, là không công bằng với dân. “Mình là người quản lý nhà nước về đất đai, mình lại đưa ra giá và mình thực hiện thì thua”, ông Võ Phan Lê Nguyễn nêu và cho rằng cần có cơ quan độc lập, có tính chất về pháp lý và chịu trách nhiệm pháp lý.

Quy định chung chung dẫn đến tắc nghẽn trong xử lý hồ sơ về đất đai

Góp ý thêm về các nội dung khác, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn cũng đề cập đến chuyển dịch đất nông nghiệp, đất tự nguyện đối với các dự án. Theo ông, hiện có những dự án thực hiện theo dự án phát triển nhà ở, trung tâm thương mại, doanh nghiệp tự thoả thuận.

Đây là điều kiện tốt nhưng có 2 vấn đề đề lớn xảy ra. Cụ thể, các doanh nghiệp không có khả năng và không thể thoả thuận 100% với người dân. Còn các chủ sử dụng đất, có người thoả thuận tốt nhưng có trường hợp không chuyển nhượng với bất kỳ giá nào, thậm chí có trường hợp “bỏ bom”. Vậy pháp luật cần có cơ chế tháo gỡ bởi có trường hợp không chấp nhận thì dự án coi như “đứng hình”, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển đô thị cũng như phát triển kinh tế. Vì vậy, ông Võ Phan Lê Nguyễn đề xuất cần có cơ chế để tháo gỡ.

Cụ thể, nếu rơi vào tình huống trên, thì cho phép đơn vị thuộc cơ quan hành chính liên quan khởi kiện ra toà, để căn cứ vào giá của đơn vị thẩm định giá cấp trung ương mà tính bồi thường phần đất còn lại để triển khai dự án.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn đề xuất nhiều nội dung cần điều chỉnh trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn đề xuất nhiều nội dung cần điều chỉnh trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Vấn đề nữa là Luật Đất đai đang quy định các điều khoản cấp giấy chứng nhận nhưng các điều khoản này khác rất nhiều với quy định về bồi thường đất ở và nhà ở. Hiện nay, khi quyết định thu hồi đất thì thu hồi luôn nhà. Nếu xét cách nào đó về mặt pháp lý thì đang xâm phạm quyền sở hữu của người dân. Đất đai là sở hữu toàn dân, còn nhà và các vật dụng trên đất là sở hữu của người dân. Khi thu hồi không phải là trưng dụng, trưng thu, trưng mua mà là quyết định thu hồi, thậm chí ấn định luôn giá nhà đó là không hợp lý. Ông đề xuất điều chỉnh nội dung này.

Ông Võ Phan Lê Nguyễn cũng băn khoăn là thu hồi nhà ở, có nhà ở mà không đủ điều kiện cấp nhà ở. “Đây là vấn đề rất đau, ai làm công tác thực tiễn sẽ thấy rõ”, ông Nguyễn nói. Theo Luật Đất đai, trường hợp xây dựng nhà trước 15-10-1993 không phù hợp hoặc phù hợp quy hoạch vẫn được bồi thường đất ở. Tuy nhiên, xây sau ngày 15-10-1993 mà sau thời điểm quy hoạch được công bố, mặc dù đã có nhiều thế hệ ở nhưng khi thu hồi đất thì không bồi thường nhà.

Điều này đồng nghĩa với việc không có tái định cư và vô tình đưa người dân vào hoàn cảnh khó khăn. “Cần quy định rõ, nếu cấp giấy chứng nhận thì khác còn quy định bồi thường thì người dân có nhà ở trước thời điểm Luật Xây dựng năm 2006 có hiệu lực, có quy hoạch hay không quy hoạch thì vẫn phải tái định cư cho người dân. Nếu sửa được điều này thì rất nhân văn”, ông Võ Phan Lê Nguyễn bày tỏ.

Các đại biểu cũng cho rằng phải thiết kế một chương riêng về đất công, xác định rõ khái niệm đất công. Theo các đại biểu, hiện nay có nhiều sự xung đột liên quan đến đất công, trong khi nội dung này thể hiện trong dự thảo rất mờ nhạt.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Y, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM ghi nhận các ý kiến của đại biểu tham dự. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Y, hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi sâu về nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Cùng với đó là các ý kiến về nội dung đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất…

PGS.TS Nguyễn Văn Y khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu chuyển về Thành phố để kiến nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét.

Tin cùng chuyên mục