Cần đúng và trúng trong tuyên truyền

Một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra trưa 9-11 tại chợ Gián Khẩu ở Ninh Bình. Chỉ trong thời gian ngắn, “bà hỏa” đã thiêu rụi hàng chục ki-ốt, nhiều hàng hóa trị giá hàng tỷ đồng bỗng nhiên “biến” thành tro tàn khiến các tiểu thương điêu đứng. 

Trước đó, 1 giờ sáng ngày 2-10, ngọn lửa bất ngờ bốc cháy tại chợ Còng ở Thanh Hóa rồi bao trùm toàn bộ khu chợ, gây thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng cho khoảng 260 tiểu thương đang kinh doanh tại đây. Sáng 23-9, chợ Tó ở Đông Anh (Hà Nội) bùng cháy lần thứ 2 trong 5 năm…

Chợ là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ, trong đó chủ yếu là do tập kết nhiều hàng hóa, vật liệu dễ cháy. Trong khi nhiều bà con tiểu thương còn tâm lý chủ quan, bố trí, sắp xếp hàng hóa cồng kềnh cản trở hành lang giao thông, lối thoát nạn, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Cùng với đó, do xây dựng đã lâu nên hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện cũng thường không bảo đảm an toàn PCCC. Thậm chí, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có nơi còn xảy ra tình trạng hộ kinh doanh câu móc điện bừa bãi; đun nấu ngay tại ki ốt, sạp hàng... Đặc biệt, nguy cơ cao nhất vẫn là do tình trạng thắp hương, đốt vàng mã của tiểu thương.

Những tồn tại trên là nguyên nhân khiến công tác PCCC tại các chợ truyền thống chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Để công tác PCCC tại chợ đạt hiệu quả, trước hết, các cơ quan chức năng vẫn cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác bảo đảm an toàn PCCC tại tất cả chợ trên địa bàn và ban quản lý các chợ phải tuân thủ nghiêm túc yêu cầu của cơ quan chức năng.

Để thay đổi nhận thức và ý thức phòng chống cháy nổ của bà con buôn bán ở những khu chợ dân sinh, các biện pháp PCCC phải đi vào thực chất, mang lại hiệu quả rõ ràng hơn nữa. Thay vì nhìn vào số tờ rơi tuyên truyền về PCCC được phát, số đầu việc đã được triển khai, thông điệp về phòng chống cháy nổ cần được truyền tải bằng hình thức phù hợp và sinh động, cụ thể, gắn với các hướng dẫn thực hiện để tiểu thương dễ nhớ, dễ thực hiện.

Khi xảy ra cháy nổ tại các chợ, người gánh thiệt hại lớn nhất vẫn chính là tiểu thương. Vì vậy, hơn ai hết, bà con tiểu thương phải có ý thức cao trong việc phòng chống cháy, nổ ở nơi mình kinh doanh để bảo vệ tài sản, tính mạng của chính mình.

Tin cùng chuyên mục