Khi cư dân thắc mắc
Chung cư Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh, TPHCM) từng là mô hình kiểu mẫu cho hoạt động chung cư tái định cư, với cảnh quan đẹp, lối đi nội bộ rộng rãi, nhà xe thoáng mát. Tuy nhiên, đến nay, ban quản trị chung cư này đã chịu khá nhiều điều tiếng. Ông S.T. (cư dân ở lô A) cho biết: “Chúng tôi rất bức xúc về việc công khai tài chính từ tiền thu các dịch vụ và phí bảo trì do cư dân đóng. Có nguồn thu, nhưng thang máy hư thì chậm sửa chữa, hệ thống PCCC hư hỏng cũng chậm khắc phục. Vừa rồi cư dân rất bức xúc với việc ban quản trị thu tiền nước với giá quá cao”. Qua đối chiếu các phiếu thu tiền nước, rõ ràng giá thu tại chung cư Ngô Tất Tố rất cao. Cụ thể, giá thu của công ty cấp nước với hộ dân là 5.830 đồng/m3 trong định mức, ngoài định mức là 11.220 đồng/m3, nhưng Ban quản trị chung cư Ngô Tất Tố thu trong định mức là 8.100 đồng/m3 (tăng 2.280 đồng) và ngoài định mức là 13.170 đồng/m3 (tăng 1.950 đồng).
Giải thích về sự chênh lệch giá thu tiền nước, bà Nguyễn Thị Thúy Vân, thành viên Ban quản trị chung cư Ngô Tất Tố, cho biết: “Chung cư đã đưa vào hoạt động khá lâu, nhiều hạng mục hư hỏng. Nền thấm, tường nứt, cầu cống nghẹt…, cư dân yêu cầu ban quản trị lo việc sửa chữa, nhưng vận động đóng góp kinh phí rất nan giải, nhiều hộ chưa đóng. Việc thu tiền nước với giá cao như vậy đã được thực hiện từ thời ban quản trị nhiệm kỳ trước, không nhằm vụ lợi mà còn phục vụ cho các khoản tiền điện bơm nước, thay đường ống nước, sửa chữa các công trình phụ trợ… Việc thu chi tài chính khá minh bạch và chúng tôi niêm yết công khai. Tuy nhiên, không ít hộ dân vẫn thắc mắc. Lẽ ra nên gặp ban quản trị để được giải thích, thì họ lại tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến hoạt động của ban quản trị. Khi về hưu, có chút thời gian nên tôi sốt sắng tham gia ban quản trị để làm công tác xã hội, nhưng bây giờ thì chịu hết xiết! Nghe chửi nhiều quá, tôi hết còn hứng thú làm việc. Xong nhiệm kỳ này, tôi xin rút”.
Vận động, thuyết phục và minh bạch
Dù là chung cư tái định cư, nhưng chung cư Tây Thạnh (quận Tân Phú, TPHCM) là một trong những chung cư an ninh, an toàn và đẹp. Ở chung cư này, mỗi lô nhà có một ban quản trị chịu trách nhiệm điều hành tất cả các công việc ở lô nhà của mình. Chung cư đưa vào hoạt động đầu những năm 2000, đến nay, một số hạng mục như tường, tay vịn cầu thang, hệ thống PCCC… đã xuống cấp. Bà Nguyễn Thị Yến, thường vụ Ban quản trị lô A, cho biết: “Chúng tôi đã vận động cư dân ủng hộ được hơn 40 triệu đồng để cải tạo, mua mới thiết bị. Phải nói thật là việc vận động dân rất khó khăn. Tại chung cư này, hơn 30% số hộ cho thuê lại căn hộ. Người ở thuê thì cho rằng không có trách nhiệm sửa chữa, đóng góp gì; người cho thuê thì khó tìm. Mỗi năm mỗi hộ đóng 360.000 đồng chi phí bảo trì chung cư. Số tiền đó chỉ đủ để phục vụ điện chiếu sáng, thay bóng đèn, quét dọn cầu thang. Việc rút hầm cầu, sửa chữa hư hỏng ở lối đi, cầu thang… đều dựa trên sự tự nguyện của các hộ. Chúng tôi phải dành rất nhiều thời gian để vận động, thuyết phục cư dân góp kinh phí”.
Cũng như các chung cư tái định cư khác, việc họp tổ dân phố để bàn bạc các vấn đề phục vụ đời sống cư dân rất khó thông qua. Bởi lẽ, buổi họp nào cũng chỉ huy động được vài chục người dự họp. Với việc công khai thu chi, gắng sức thực hiện nhiệm vụ, Ban quản trị chung cư Tây Thạnh vận động, thuyết phục được cư dân chung tay lo việc chung. Hàng trăm hộ dân, nhưng khi hộ nào hữu sự lại không có nơi để làm lễ tang, do vậy mới đây, cấp ủy và ban điều hành khu phố 2 phường Tây Thạnh đã vận động cư dân đóng góp kinh phí xây nhà tang lễ. Tiếp đó, ban quản lý nhà tang lễ được thành lập. Ban quản trị đã dứt khoát không cho thuê mướn hay cho mượn mặt bằng nhà tang lễ để luôn sẵn sàng phục vụ người dân có nhu cầu khi hữu sự, đảm bảo tính tôn nghiêm nơi hành lễ.
Để vận hành, bảo vệ chung cư tái định cư ổn định, an toàn, rất cần sự chung tay của cư dân. Việc ban quản trị niêm yết bảng công khai tài chính là cần thiết. Khi có thắc mắc của cư dân, ban quản trị nên chủ động gặp, tổ chức họp giải trình với các hóa đơn, chứng từ nghiêm chỉnh.