Cần tránh tình trạng đất vị trí xấu thì dành cho tái định cư

Sáng 15-1, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ TN-MT tại phiên họp Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 15-1. Ảnh: QUANG PHÚC
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ TN-MT tại phiên họp Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 15-1. Ảnh: QUANG PHÚC

Thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận sôi nổi tại nghị trường.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, quy định về nội dung này vẫn còn một số bất cập. “Đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại nếu có đất ở và đất khác. Quy định đất ở và đất khác còn bất cập, đất ở là bao nhiêu, nếu chỉ có 1m2 cũng là đất ở hay sao? Trong khi đó, đối với trường hợp khác lại được”, ĐB nêu. ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, hiện nay, Nhà nước đang có quyền định đoạt và phương pháp định giá đất theo cơ chế thị trường, do đó nhà đầu tư muốn thành lập nhà ở thương mại kết hợp với sản xuất kinh doanh là phù hợp nếu tuân thủ đúng các quy định.

thu-tuong-pham-minh-chinh-trao-doi-voi-pho-thu-tuong-tran-hong-ha-va-bo-truong-bo-tn-mt-tai-phien-hop-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-thao-luat-dat-dai-sang-15-1-anh-quang-phuc-6890.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ TN-MT tại phiên họp Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sáng 15-1. Ảnh: QUANG PHÚC

Nêu ý kiến tại hội trường, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng đề nghị bỏ quy định muốn chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại phải có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở, vì quy định này gây ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở, giảm giá nhà.

db-ha-sy-dong-quang-tri-4010.jpg
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Hà Sỹ Đồng cũng cho rằng, quy định thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định là giá chuyển nhượng từng lần và trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì thu nhập chịu thuế tính theo giá đất trong bảng giá đất là rất tiến bộ. Người dân sẽ không có động lực để kê khai thấp giá chuyển nhượng đất để giảm thuế nữa, hệ quả là giá trên hợp đồng sẽ là giá thật. Nhà nước dựa vào giá trên hợp đồng để xây dựng bảng giá cho các năm sau thì giá sẽ sát thực tế.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá cao các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, quy định tại Khoản 4, Điều 91 đã thể hiện rất rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với người có đất bị thu hồi. Theo đó, Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản để tạo điều kiện cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất. Tuy nhiên, ĐB đề nghị tiếp tục hoàn thiện tránh những khoảng trống, mâu thuẫn, trong đó có nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư. “Phải ưu tiên lựa chọn khu đất có vị trí thuận lợi nhất trên địa bàn để hình thành khu tái định cư” ĐB Hoàng Văn Cường phát biểu.

db-hoang-van-cuong-ha-noi-3075.jpg
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: QUANG PHÚC

Điều này để tránh tình trạng địa phương dành khu đất thuận lợi để đấu giá, còn đất tái định cư đẩy sang một vị trí khác, không thuận lợi. ĐB Cường dẫn bài học từ dự án tái định cư đường Vành đai 4 Hà Nội, hiện nay, Hà Nội đang lựa chọn các khu đất ở có điều kiện thuận lợi để tái định cư, nên được người dân rất đồng tình.

Đáng chú ý, ĐB Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, phương án hỗ trợ tạo việc làm tốt nhất, bền vững nhất không phải là đưa tiền cho người dân mà phải tạo sinh kế. Do vậy, nếu thu hồi đất đang là nhà xưởng sản xuất kinh doanh thì trong phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải bố trí quỹ đất phù hợp để tạo lập mặt bằng mới cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu thu hồi đất nông nghiệp mà người dân không có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp làm trong khu công nghiệp thì phải dành quỹ đất dịch vụ để tạo việc làm cho người nông dân. “Như vậy, trong quy định về thu hồi đất phải có quy định thu hồi đất để tạo việc làm, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh. Do vậy, đề nghị bổ sung thêm một nội dung là, thu hồi đất tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho người có đất bị thu hồi”, ĐB Cường nói.

db-ta-van-ha-quang-nam-3876.jpg
ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) tiếp tục đề nghị ghi rõ trong luật nguyên tắc việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Đó là phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ để bảo đảm triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nguyên tắc này trong thực tiễn. ĐB cũng đề nghị sửa đổi Khoản 2 Điều 91 theo hướng chỉ bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với đất thu hồi khi địa phương không có đất cùng mục đích sử dụng.

ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề nghị công khai, minh bạch, tổ chức đấu giá, đấu thầu đối với dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ. “Quy định như dự thảo luật có nghĩa là tất cả các dự án được gọi là khu đô thị thì đều được đấu giá, đấu thầu. Quy định như vậy là chưa được, phải có tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng. Hiện có những khu đô thị chủ yếu là do chủ đầu tư trình, có những khu đô thị chỉ một vài hécta, nhưng có đô thị vài trăm hécta, do đó đề nghị quy định theo hướng là đô thị phải hiện đại thì mới là các dự án để đấu giá, đấu thầu”, ĐB Tạ Văn Hạ phát biểu.

db-nguyen-hoang-bao-tran-binh-duong-8999.jpg
ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương). Ảnh: QUANG PHÚC

Bên cạnh đó, nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp tiếp tục là vấn đề được ĐB thảo luận, đóng góp ý kiến. ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) kiến nghị không quy định phương pháp thặng dư trong định giá đất. Theo ĐB, kết quả định giá đất khi áp dụng phương pháp thặng dư được thực hiện trên các cơ sở giả định ước tính. Do đó, mức độ tin cậy chưa cao, nhất là đối với các khu vực hạn chế về thông tin phải thực tế về chi phí doanh thu để làm căn cứ tính. Bên cạnh đó, mặc dù giá trị thửa đất có triển vọng tăng lên theo thời gian do quá trình lịch sử, hoạt động thương mại và các hoạt động khác trên chính thửa đất đó, tuy nhiên, việc xác định giá trị tăng dần là không hợp lý.

ĐB Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) vẫn băn khoăn về việc chuyển đổi đất lúa, cần quy định rõ để bảo đảm chỉ thật cần thiết mới cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là đất trồng lúa, không để mất “bờ xôi ruộng mật”. Tương tự, cũng cần quy định chặt về việc chuyển đổi đất rừng. Việc giao đất rừng cho tổ chức, cá nhân cũng cần được quy định chặt chẽ, chỉ giao đất rừng sản xuất, rừng trồng cho cá nhân, không giao rừng tự nhiên.

Về cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền, dự thảo luật chỉnh sửa theo hướng quy định về xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đến trước ngày 1-7-2014. ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, đề nghị bỏ từ “xem xét” để dễ thực hiện, đáp ứng nhu cầu của người dân hiện đang có nhiều vướng mắc, nhất là đồng bào Tây Nguyên.

Tin cùng chuyên mục