Cẩn trọng nguy cơ đột quỵ trong dịp tết

Trời lạnh, quên uống thuốc, căng thẳng, áp lực, ăn uống thả ga, quên tập luyện… là các yếu tố thúc đẩy đột quỵ trong dịp Tết.
Bác sĩ đang chăm sóc cho bệnh nhân đột quỵ
Bác sĩ đang chăm sóc cho bệnh nhân đột quỵ

Ngày 20-1 (tức 29 tết), Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, đang vào mùa tết, số ca đột quỵ nhập viện tăng rõ hơn so với các tháng trước. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay.

Theo bác sĩ Đào Duy Khoa, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, nguyên nhân khiến đột quỵ gia tăng mùa tết là do các yếu tố như:

Thứ nhất, thời tiết tết trùng với mùa lạnh. Mùa lạnh thì tỷ lệ đột quỵ tăng nhiều so với mùa nóng.

Thứ hai, tết người dân thay đổi thói quen sinh hoạt như thức khuya, đi chơi xa, ăn uống cũng thay đổi. Nhiều người ngủ nghỉ không đúng giờ, quên mang thuốc, quên uống thuốc… Điều này ảnh hướng xấu đến những người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp (các bệnh này là các yếu tố nguy cơ của đột quỵ).

Thứ ba, tết mọi người sẽ sử dụng nhiều bia rượu và đây cũng là yếu tố góp phần làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Triệu chứng của đột quỵ là đột ngột méo miệng, nói đớ, liệt nửa người. Các triệu chứng này rất đơn giản, tuy nhiên nhiều người vẫn nhầm lẫn, họ cho rằng bị trúng gió, bị mệt, bị cảm. Nhiều người còn có cách xử lý sai lầm khi cấp cứu đột quỵ như: cạo gió, trích máu, uống thuốc truyền miệng, chờ cho người bệnh khỏe lại… Đây là những nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, gây nhiều hậu quả đáng tiếc.

Theo bác sĩ Duy Khoa, để phòng bệnh thì phải tìm ra các yếu tố nguy cơ dễ gây ra đột quỵ, cụ thể là tầm soát đột quỵ.

Ví dụ như bệnh cao huyết áp, bạn cần khiểm tra sức khỏe định kỳ để xem bản thân có mắc bệnh tăng huyết áp hay không. Bởi vì có nhiều người bị tăng huyết áp nhưng không biết và nhiều năm sau, khi xảy ra biến chứng đột quỵ mới hay mình mắc phải căn bệnh “sát thủ âm thầm” này.

Đột quỵ do nhiều yếu tố nguy cơ gây ra và được chia ra làm 2 nhóm: Các yếu tố nguy cơ không điều chỉnh được (tuổi tác, giới, chủng tộc…) và các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được (tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol, hút thuốc lá, bia rượu,...).

“Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ không điều chỉnh được, tuổi càng cao nguy cơ đột quỵ càng lớn”, bác sĩ Duy Khoa thông tin.

Đồng thời cho biết các yếu tố liên quan tới lối sống, thói quen không tốt như hút thuốc lá, uống bia rượu, lười vận động…là các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được. Bạn có thể thay đổi ngay từ hôm nay. Bạn nên tuân thủ lối sống lành mạnh cho mình, không chờ tới khi có bệnh mới vào viện, lúc đó đã muộn. Với người có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp.. cần kiểm soát bệnh thật tốt.

Trường hợp bạn may mắn không có các nguy cơ của đột quỵ vẫn nên duy trì thói quen sinh hoạt và lối sống lành mạnh, khoa học, nên tập thể dục đều đặn, hạn chế bia rượu, bỏ thuốc lá và kiểm tra sức khoẻ định kỳ hàng năm để phòng căn bệnh chết người này.

Tin cùng chuyên mục