Cảnh báo dịch bệnh thủy đậu vào mùa

Với thời tiết chuyển mùa như hiện nay, nhiều chuyên gia dịch tễ cảnh báo dịch bệnh thủy đậu đang vào giai đoạn cao điểm.
Cảnh báo dịch bệnh thủy đậu vào mùa ảnh 1 Bác sĩ đang điều trị cho một bệnh nhân là người lớn bị mắc thủy đậu
Từ đầu năm tới nay, nhiều bệnh viện (BV) tại các tỉnh phía Bắc đã phải tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu. Không chỉ có trẻ nhỏ, nhiều người lớn cũng bị thủy đậu biến chứng dẫn tới viêm phổi, viêm não... khiến nguy cơ tử vong rất cao. Với thời tiết chuyển mùa như hiện nay, nhiều chuyên gia dịch tễ cảnh báo dịch bệnh thủy đậu đang vào giai đoạn cao điểm.
Coi chừng biến chứng
Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai liên tục trong những ngày qua luôn đông kín bệnh nhân, trong đó có nhiều trường hợp mắc thủy đậu phải nhập viện điều trị. Bác sĩ Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho biết trong số các ca nặng đang điều trị tại khoa, đáng chú ý nhất là một bệnh nhân 27 tuổi, ngụ ở Tuyên Quang, có tiền sử lupus ban đỏ đã điều trị lâu nay tại BV. Bệnh nhân này được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm vào đầu tháng 3 trong tình trạng sốt cao, xuất hiện ban phỏng nước rải rác vùng cẳng tay và thân mình.
Tuy nhiên, chỉ sau một ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã chuyển sang suy kiệt, khó thở. Qua các chẩn đoán, xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị biến chứng viêm phổi nặng sau thủy đậu, trên nền lupus ban đỏ hệ thống với hoại tử đầu chi. Hiện nay, bệnh nhân này đang điều trị tích cực và phải có sự hỗ trợ của máy thở, nhưng tình trạng sức khỏe vẫn khó lường. 
Theo Cục Y tế dự phòng, trong năm 2017, cả nước ghi nhận gần 40.000 người mắc dịch bệnh thủy đậu, tăng gần 50% so với năm 2016. Đặc biệt từ đầu năm 2018 tới nay, mới hơn 2 tháng đầu năm nhưng số người mắc thủy đậu đã có chiều hướng tăng cao, với khoảng 3.000 người mắc/tháng.
Đại diện Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai cũng cho biết, trong 3 tháng qua, các bác sĩ của khoa đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp người lớn mắc thủy đậu. Trong đó có tới hàng chục ca bị biến chứng nặng như bội nhiễm nốt phỏng da, viêm phổi, viêm não, dẫn tới nguy cơ  tử vong cao.
Cần tiêm vaccine đầy đủ
Trước số người mắc thủy đậu đang có chiều hướng tăng cao, nhiều chuyên gia dịch tễ đã cảnh báo, hiện nay, các tỉnh miền Bắc đang vào giai đoạn chuyển mùa, cũng là cao điểm của dịch bệnh thủy đậu - do những tác động không nhỏ của thời tiết lạnh và ẩm thấp gây ra. Hơn nữa, thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn).
Đáng lưu ý, virus trên có khả năng sống được vài ngày trong vảy thủy đậu và khi bong ra thì tồn tại trong không khí. Hơn nữa, thủy đậu rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng và dịch từ nốt phỏng thủy đậu. 
Các chuyên gia y tế cũng chỉ rõ, dù thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước, nhưng lại rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết.
Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Trong khi đó, Bộ Y tế khuyến cáo, đối với bệnh thủy đậu, việc tiêm vaccine đầy đủ là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất cho bản thân và cộng đồng. Phụ nữ nên tiêm vaccine phòng bệnh trước khi có thai và lưu ý không được tiêm khi đã mang thai. Trẻ từ 1 đến 12 tuổi, chỉ cần một liều vaccine là đủ giúp ngăn ngừa bệnh thủy đậu. Người 13 tuổi trở lên cần được tiêm 2 liều, cách nhau ít nhất 6 tuần.

Tin cùng chuyên mục