Cảnh báo lũ đặc biệt lớn tại Quảng Nam và Đà Nẵng

Chiều 28-10, ông Phạm Văn Chiến, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ có văn bản cảnh báo lũ đặc biệt lớn tại Quảng Nam và Đà Nẵng.
Thủy điện Đăk Mi 4 ở thượng nguồn sông Vu Gia dự kiến xả lũ với lưu lượng 11.400m3/giây
Thủy điện Đăk Mi 4 ở thượng nguồn sông Vu Gia dự kiến xả lũ với lưu lượng 11.400m3/giây

Theo đó, hiện nay, mực nước trên sông Vu Gia đang lên nhanh. Mực nước lúc 16 giờ ngày 28-10 trên sng Vu Gia tại Ái Nghĩa là 7,75m, dưới mức báo động 2 là 0,25m; trên sông Cẩm Lệ tại Cẩm Lệ 1,29m, trên mức báo động 1 là 0,29m.

Trong khi đó, theo thông báo số 214/TB-CT lúc 15 giờ ngày 28-10 của Công ty CP thủy điện Đăk Mi về việc thông báo tăng lưu lượng xả tràn lần 2 hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4. Thời điểm dự kiến bắt đầu vận hành 15 giờ 30 ngày 28-10, lưu lượng xả tràn dự kiến lên đến 11.400 m3/giây. Hiện tại, lưu lượng thủy điện Đăk Mi 4 đang xả xuống hạ du là 5.100m³/giây.

Với trường hợp thủy điện Đăk Mi 4 tiếp tục duy trì mức xả như hiện tại về hạ lưu trong 6-12 giờ tới, thì mực nước trên sông Vu Gia tại trạm Ái Nghĩa có khả năng lên mức 10.3m, trên mức báo động 3 là 1,3m, dưới mức lũ lịch sử năm 2009 là 0,47m); sông Cẩm Lệ tại Cẩm Lệ là 3m, trên mức báo động 3 là 0,5m.

Trường hợp thủy điện Đăk Mi 4 xả xuống hạ lưu như dự kiến là 11.400m³/giây, trong 6-12 giờ tới, mực nước trên sông Vu Gia tại trạm Ái Nghĩa có khả năng lên mức 11.2m, trên mức báo động 3 là 2,2m, vượt mức lũ lịch sử năm 2009 là 0,43m; sông Cẩm Lệ tại Cẩm Lệ là 3,40m, trên mức báo động 3 là 0,9m.

Vì vậy, nguy cơ rất cao gây ngập lụt sâu, diện rộng vùng trũng thấp và sạt lở tại các huyện: Nam Giang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, thành phố Hội An (Quảng Nam) và TP Đà Nẵng. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất là cấp 4.

Trong khi đó, tại các huyện miền núi Quảng Nam đang gồng mình chống chọi bởi mưa lũ và sạt lở núi. Ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết, 2 cán bộ xã Phước Lộc trong quá trình đi vận động bà con phòng tránh bão bị sạt lở núi vùi lấp, mất tích. 2 cán bộ xã Phước Lộc gồm ông Hồ Văn Sợ (cán bộ chuyên trách Dân vận xã Phước Lộc) và Hồ Văn Độ (Phó Bí thư Đoàn xã Phước Lộc) đi cứu hộ bà con thì bị núi lở, vùi lấp mất tích. Tiếp nhận thông tin, huyện thành lập đội cứu hộ, cứu nạn 2 cán bộ này. Tuy nhiên, 2 nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.  

Ông Nguyễn Văn Quảng cho biết thêm, ngoài 2 người mất tích còn có 3 người khác bị thương nặng đang được cấp cứu. Trưa và chiều 27-10, sạt lở núi làm 46 ngôi nhà bị trôi hoàn toàn và hơn 20 ngôi nhà bị tốc mái. Trên địa bàn huyện còn rất nhiều điểm sạt lở nặng, chính quyền địa phương đã tổ chức sơ tán người dân đến nơi an toàn đề phòng lũ quét. 

Cùng ngày, tại huyện Nam Trà My, sạt lở núi vùi lấp 1 ngôi nhà khiến 1 người tử vong, 3 người bị thương. Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết, hiện nay tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp, các tuyến đường giao thông giữa các huyện bị chia cắt, mất điện, mất sóng điện thoại nên chưa thể xác định được mức độ thiệt hại do bão gây ra. 

Riêng huyện Nam Giang, do thủy điện xả lũ nên đến thời điểm hiện tại nhiều nhà dân đã bị ngập sâu. Chính quyền huyện Nam Giang đang khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ khu vực để tránh thiệt hại cho người dân khi thủy điện xả lũ trong đêm 28-10. Ngoài ra, các tuyến huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang đi các xã bị cô lập hoàn toàn. 

NGỌC PHÚC

Tin cùng chuyên mục