
Trong năm 2004, cả nước xảy ra trên 6.000 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm chết 575 người và bị thương 5.607 người. Tổng thiệt hại về vật chất lên đến trên 20 tỷ đồng. Các nạn nhân mất trên 65 ngàn ngày công lao động...
- 30% doanh nghiệp có môi trường làm việc xấu
Nguy cơ xảy ra TNLĐ tiềm ẩn ở khắp mọi nơi, mọi chỗ làm việc. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2004, trên địa bàn TPHCM xảy ra gần 800 vụ TNLĐ, trong đó có 60 vụ TNLĐ gây chết người. Những địa phương có tần suất TNLĐ cao và số vụ lớn là tỉnh Đồng Nai (1.480 vụ), tỉnh Bình Dương (616 vụ), Hà Nội 357 vụ,… TNLĐ xảy ra ở lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản chiếm tỷ lệ cao nhất.

Nhiều thợ xây dựng làm việc trên cao nhưng không có nón bảo hộ và dây an toàn.
Theo Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH, ở lĩnh vực xây dựng, các tình huống lao động dễ xảy ra TNLĐ là ngã từ trên cao, sập đổ công trình, điện giật, thiết bị nâng hỏng… Tiếp đến là các tai nạn do sự cố về điện, máy cuốn, kẹp, thiết bị, hóa chất,… làm nhiều nạn nhân chết hoặc thương tật suốt đời.
Theo Cục An toàn lao động, số vụ TNLĐ báo cáo hàng năm thường nhỏ hơn thực tế rất nhiều. Bà Đoàn Minh Hòa, Cục Trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH) cảnh báo: “Tốc độ phát triển kinh tế nhanh mang lại thành tựu kinh tế mới nhưng cũng xuất hiện nhiều nguy cơ mới đe dọa sức khỏe và an toàn tính mạng của người lao động”.
Cũng theo nhận định của bà Hòa, sự bùng nổ lực lượng lao động tại các đô thị, trong đó lao động nhập cư có trình độ văn hóa thấp, không được huấn luyện về ATVSLĐ là một trong những nguyên nhân làm TNLĐ tăng cao do họ tiếp xúc với môi trường làm việc mới, những công việc mới chưa phù hợp.
Đó là chưa kể cường độ làm việc căng thẳng, tăng ca thường xuyên ở những doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu chế xuất, khu công nghiệp, kể cả khu công nghệ cao cũng là mầm mống gây ra TNLĐ. Do chạy theo lợi nhuận, nhiều chủ sử dụng lao động đã phớt lờ việc cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo sự an toàn cho người lao động.
Kết quả điều tra công tác bảo hộ lao động của Bộ LĐ-TB-XH mới đây cho thấy điều kiện làm việc, môi trường lao động trong cả nước rất đáng lo ngại: 30% số DN có điều kiện làm việc trong tình trạng xấu và rất xấu; 50% ở mức trung bình và chỉ có 20% đạt yêu cầu.
- “Lờn thuốc” do kiểm tra ít, chế tài nhẹ
Phân tích các vụ TNLĐ dễ thấy lỗi chính thuộc về người sử dụng lao động và người lao động do cùng vi phạm các quy định về ATVSLĐ. Cụ thể là vi phạm quy trình, quy phạm về kỹ thuật an toàn, không đảm bảo điều kiện làm việc, thiếu các giải pháp về ATVSLĐ đối với những công việc nặng nhọc, độc hại… Ngoài ra, còn có nguyên nhân môi trường lao động bị ô nhiễm nghiêm trọng, các yếu tố độc hại, nguy hiểm (bụi, hơi khí độc, tiếng ồn, độ rung động, bức xạ…) vượt quá mức cho phép nhiều lần.
Qua thực tế kiểm tra một số doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TPHCM, ông Huỳnh Tấn Dũng, Trưởng ban Thanh tra kỹ thuật an toàn (Sở LĐ-TB-XH) lắc đầu: “Kiểm tra ở đâu phát hiện ra vi phạm về an toàn –vệ sinh lao động ở đó, nhất là tại các doanh nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất nhỏ. Chỉ cần người lao động lơ là, không tuân thủ các quy định về kỹ thuật an toàn lao động là TNLĐ có thể xảy ra”.
Trong khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp mở ra ngày càng nhiều thì hoạt động kiểm tra, thanh tra việc thực thi các quy định về ATVSLĐ ở các địa phương lại quá thưa thớt. Nêu ra những bất cập của hệ thống thanh tra kỹ thuật an toàn lao động hiện nay, bà Đoàn Minh Hòa bức xúc: Cả nước hiện có trên 120 ngàn doanh nghiệp (chủ yếu là vừa và nhỏ), trên 1 triệu hộ sản xuất kinh doanh và 13 vạn trang trại cần kiểm tra, thanh tra, nhưng lực lượng thanh tra kỹ thuật an toàn ở mỗi địa phương chỉ có một vài người.
Với đội ngũ thanh tra viên về an toàn lao động “mỏng” như thế nên việc kiểm tra, thanh tra về ATVSLĐ ở các tỉnh-thành phố lớn giống như “cưỡi ngựa xem hoa”. Đó là chưa kể qua điều tra TNLĐ, số vụ bị khởi tố, truy tố trước pháp luật và đem ra xét xử cũng rất ít. Do không bị xử lý nghiêm khắc nên nhiều chủ sử dụng vẫn tiếp tục coi thường công tác ATVSLĐ và tính mạng của người lao động. Chính những hạn chế này đã làm cho công tác ATVSLĐ gia tăng và nguy cơ xảy ra tai nạn lao động tiềm ẩn khắp mọi nơi.
KHÁNH BÌNH