Cho tới lúc này, các y bác sĩ của Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội) cũng như cộng đồng xã hội vẫn còn bàng hoàng trước việc một bé gái 8 tháng tuổi ở phố Đội Cấn (Hà Nội) bị chó ngao Tây Tạng nhà nuôi tấn công, với rất nhiều thương tích nghiêm trọng ở vùng đầu, thái dương. Mặc dù được người thân kịp thời phát hiện, đưa đi cấp cứu tại BV nhưng các bác sĩ không thể cứu chữa nổi.
Ngoài trường hợp nói trên, gần đây tại nhiều BV cũng phải tiếp nhận không ít trường hợp trẻ nhỏ bị những thương tích rất nghiêm trọng chỉ vì… yêu thương chó. Mới đây, các bác sĩ của BV Bạch Mai đã cấp cứu một bé trai 10 tuổi ở Hưng Yên bị dập nát cánh tay với nhiều vết thương hở sâu do chó cắn. Còn trong tuần qua, các bác sĩ BV Việt Đức đã tiếp nhận cấp cứu bé trai 7 tuổi ở Chương Mỹ (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mặt có nhiều vết thương, mất một nửa môi vì bị chó ngoạm. Cùng với trẻ nhỏ, nhiều người lớn cũng trở thành nạn nhân của những con vật nuôi trong nhà. Theo các bác sĩ, với những trường hợp trẻ nhỏ bị thương tích do bị vật nuôi tấn công, nhất là chó cắn, thì không chỉ bị thương tích nặng mà nghiêm trọng hơn còn tác động xấu tới tâm lý, sự phát triển của trẻ nên việc điều trị thường khó khăn, phức tạp và mất nhiều thời gian, nhất là các vết thương ở vùng mặt phải phẫu thuật tạo hình nhiều lần.
Ngoài bị chó cắn, theo các chuyên gia y tế, những loại vật nuôi khác trong nhà như mèo, chuột hamster, chim chóc... đều có nguy cơ lây truyền các mầm bệnh nguy hiểm sang người. Các nghiên cứu cho thấy, có tới hơn 100 loại bệnh lây lan từ thú nuôi sang người, trong đó phổ biến nhất là bệnh về giun, sán và dại, khi chó, mèo không được tiêm vaccine ngừa dại. Đối với người bị nhiễm giun, sán từ chó, mèo, sẽ rất nguy hiểm tới sức khỏe vì giun, sán có thể ký sinh trong hệ bạch huyết, tim, não, dưới da hay mắt người và nơi nào chúng ký sinh sẽ gây tổn thương ở đó. Trong trường hợp vật nuôi bị nhiễm bệnh dại và cắn người thì virus dại trong nước bọt của chúng sẽ lây sang người. Nếu người bị cắn chủ quan, không tiêm phòng cẩn thận, virus bệnh dại sẽ nhanh chóng khởi phát trong cơ thể. Điều này cũng đồng nghĩa với cơ hội sống khép lại vì người bị bệnh dại không có thuốc chữa và tử vong rất nhanh. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến hết tháng 7-2018, cả nước đã có khoảng 30 ca tử vong do bệnh dại.
Để phòng ngừa các mối nguy hiểm do vật nuôi gây ra, bác sĩ khuyến cáo, các gia đình không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với thú cưng. Khi bị chó, mèo cắn, cào, mọi người cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70 độ, hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương; rồi đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
Theo quy định, khi muốn nuôi động vật như chó thì người dân phải đăng ký với trưởng thôn hay tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình UBND cấp xã, phường cấp sổ quản lý. Vật nuôi phải được tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung. Người nuôi thường xuyên phải xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông. Khi dắt chó đi dạo nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm… |