Cảnh giác với nguy cơ xảy ra làn sóng dịch Covid-19 thứ hai ở Việt Nam

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ chủ động các phương án phòng chống dịch trước tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra làn sóng dịch thứ hai ở Việt Nam. Chúng ta không được chủ quan, lơ là dù đến thời điểm này, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Thường trực Chính phủ họp về công tác phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: QUANG PHÚC
Thường trực Chính phủ họp về công tác phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 24-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Đến nay, Việt Nam đã liên tiếp 67 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Có nhiều ý kiến đặt vấn đề về mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới nhưng không để dịch bệnh lây lan.

Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các ý kiến đặt vấn đề về mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới nhưng không để dịch bệnh lây lan, với áp lực lớn từ người Việt Nam về nước hiện nay, và khi về thì phải bố trí cho công dân về thế nào? Trước nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam lớn, quy trình, thông tin về vấn đề này (như thông tin chuyến bay) cần minh bạch, rõ ràng đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, đối tượng được vào. Chúng ta chưa mở cửa hoàn toàn nhưng các đối tượng được phép vào thì phải có biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Cảnh giác với nguy cơ xảy ra làn sóng dịch Covid-19 thứ hai ở Việt Nam ảnh 1 Thủ tướng cho rằng mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới nhưng không để dịch bệnh lây lan. Ảnh: QUANG PHÚC

Thủ tướng đánh giá cao việc ngành y tế vẫn tiếp tục “trực chiến”, lực lượng quân đội sẵn sàng tiếp tục dành cơ sở vật chất cần thiết cho công tác cách ly.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 (tính đến 16 giờ ngày 22-6), thế giới ghi nhận hơn 9 triệu trường hợp mắc tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ; 470.939 trường hợp tử vong.

Tại khu vực Đông Nam Á, ghi nhận 130.931 trường hợp mắc và 3.848 trường hợp tử vong, trong đó Singapore ghi nhận số ca mắc cao nhất (42.313), Indonesia ghi nhận số ca tử vong cao nhất (2.465); 4 quốc gia chưa ghi nhận tử vong do dịch Covid-19 (Việt Nam, Campuchia, Timo-Leste và Lào). Châu Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới. Mỹ vẫn tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, với trên 2,2 triệu ca mắc và trên 120.000 ca tử vong.

Đáng chú ý, hiện nay, nguy cơ xảy ra làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tại Hàn Quốc và Trung Quốc. Tại Hàn Quốc, dịch đang có xu hướng lan rộng ra các địa phương khác ngoài Seoul, đồng thời số ca nhiễm mới hàng ngày có xu hướng tăng nhẹ. Tại Trung Quốc, thành phố Bắc Kinh đã ghi nhận 236 ca mắc Covid-19 liên quan đến ổ dịch tại chợ đầu mối Tân Phát Địa từ 11-6 đến nay.

Tại Việt Nam, tính đến tháng 6-2020, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát tốt, không ghi nhận các trường hợp mắc trong cộng đồng kể từ ngày 16-4. Ban Chỉ đạo quốc gia nhận định chúng ta đang đứng trước sức ép rất lớn, một mặt phải giữ an toàn trong nước, mặt khác không thể đóng cửa, vì phải đưa công dân Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về nước, cũng như đón các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm việc, xúc tiến thương mại, hợp tác làm ăn.

Do vậy, Ban Chỉ đạo quốc gia thống nhất tinh thần bảo đảm thực hiện mục tiêu kép nhưng phải tuyệt đối an toàn thông qua triển khai các biện pháp cụ thể như ngăn chặn dịch xâm nhập thông qua kiểm soát nhập cảnh đường hàng không và kiểm soát đường biên giới trên bộ, đường mòn, lối mở; tổ chức cách ly hiệu quả tại các cơ sở cách ly, tăng cường nghiên cứu khoa học, tiếp tục truyền thông phòng chống dịch Covid-19...

Cũng theo Ban Chỉ đạo, từ đầu tháng 4-2020 đến ngày 22-6, chúng ta đã tiếp nhận 42 chuyến bay, cách ly 9.760 công dân nhập cảnh, trong đó có 9.109 công dân Việt Nam và 651 người nước ngoài.

Từ ngày 17-6 đến ngày 21-6, ghi nhận 24.068 lượt xuất nhập cảnh qua biên giới, trong đó nhập cảnh 13.306 lượt, xuất cảnh 10.753 lượt. Xuất nhập cảnh qua đường hàng không là 7.238 lượt, trong đó nhập cảnh là 1.945 lượt, xuất cảnh là 5.293 lượt. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với làn sóng dịch thứ hai nếu trong trường hợp nhập cảnh mắc bệnh hoặc cá nhân nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng trong cộng đồng.

Ban Chỉ đạo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ chủ động các phương án phòng chống dịch trước tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra làn sóng dịch thứ hai ở Việt Nam. Chúng ta không được chủ quan, lơ là dù đến thời điểm này, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Hiện cả nước có 116 phòng xét nghiệm đủ năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trong đó có 65 phòng xét nghiệm khẳng định đã được Bộ Y tế cấp chứng nhận. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với viện Nagasaki (Nhật Bản) nghiên cứu và đã chuyển giao công nghệ cho Trung tâm nghiên cứu Sản xuất vaccine và Sinh phẩm y tế để thực hiện sản xuất sinh phẩm xét nghiệm. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy vết các trường hợp tiếp xúc gần.

Tin cùng chuyên mục