Cấp bách hành động chống biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang diễn biến phức tạp. Các hiện tượng khí hậu cực đoan (nhiệt độ, lượng mưa, bão và áp thấp nhiệt đới...) tiếp tục xảy ra với cường độ mạnh hơn và tần suất cao hơn. Nếu không có hành động quyết liệt giảm phát thải khí nhà kính thì nồng độ khí CO2 sẽ có xu hướng tăng lên và đẩy nhiệt độ toàn cầu tăng cao đột biến, dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng khó lường. 
Vớt lục bình khơi thông rạch tại quận 4 (TPHCM)
Vớt lục bình khơi thông rạch tại quận 4 (TPHCM)

Thiên tai gây nhiều thiệt hại

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo BĐKH là mối đe dọa lớn nhất mà con người đang phải đối mặt. Khủng hoảng khí hậu đã tác động nghiêm trọng đến môi trường vật chất, hệ sinh thái và xã hội loài người. Thế giới đang phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt nghiêm trọng, vòm nhiệt cao, thảm họa lũ lụt sạt lở, cháy rừng. Tại Việt Nam, năm 2020, lũ lụt và sạt lở ở miền Trung đã gây thiệt hại ước tính khoảng 1,52 tỷ USD. Các nguyên nhân cơ bản gây ra BĐKH và nước biển dâng là việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, chặt phá rừng; phát thải từ các hoạt động giao thông, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

Một nghiên cứu của Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu thuộc Bộ TN-MT cho thấy, đến năm 2050, nếu mực nước biển dâng từ 18-38cm có thể dẫn đến tổn thất khoảng 2% GDP của Việt Nam. Trong các ngành kinh tế, nông nghiệp là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi BĐKH, giá trị gia tăng của ngành này sẽ giảm đến 13,5%. Tổn thất và thiệt hại do nước biển dâng gây ra đối với lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam có thể lên tới 43 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2100. 

Theo nghiên cứu, đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng 100cm thì sẽ có 6,3% diện tích đất của Việt Nam bị ngập; 4% hệ thống đường sắt; 9% hệ thống đường quốc lộ; 12% hệ thống đường tỉnh lộ sẽ bị ảnh hưởng. ĐBSCL là khu vực chịu phần lớn tổn thất này (52,39%), sau đó là đồng bằng sông Hồng (31,4%), duyên hải miền Trung (9,1%) và Đông Nam bộ (7,1%). Ngoài  những thiệt hại về kinh tế xác định được, Việt Nam còn có nguy cơ cao chịu nhiều thiệt hại phi kinh tế như giảm sức khỏe người dân; các khu kinh tế bị di dời, mất đất do xói lở; mất di sản văn hóa và kiến trúc địa phương; mất đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái. Tuy khó định lượng, nhưng thiệt hại phi kinh tế có khả năng lớn hơn thiệt hại về kinh tế. 

Phát triển bền vững là tất yếu

TS Nguyễn Văn Hồng, Phân viện Khoa học khí tượng - thủy văn và Biến đổi khí hậu, cũng cho biết, thời gian qua, nước ta cũng triển khai nhiều giải pháp để ứng phó, thích ứng với BĐKH. Chẳng hạn như, các cơ quan chức năng đã và đang đẩy mạnh kêu gọi cộng đồng hạn chế sử dụng nhiêu liệu hóa thạch và tìm kiếm các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, điện mặt trời, sinh khối thay thế. Chuyển đổi sản xuất, trồng trọt theo hướng sản xuất thông minh, thân thiện môi trường; thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững lồng ghép sáng kiến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do mất, suy thoái rừng...

Mạnh mẽ và quyết liệt nhất là cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc 2021 (COP 26). Theo đó, Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ cũng đã phê duyệt, mục tiêu, lộ trình để triển khai thực hiện. Theo đó, phương thức giảm nhẹ khí nhà kính bao gồm: các biện pháp chính sách, quản lý hoạt động; các biện pháp giảm nhẹ khí nhà kính theo từng loại hình cơ sở kinh doanh; chuyển đổi công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất, sử dụng dịch vụ ít phát thải khí nhà kính. Song song đó, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh triển khai, nghiên cứu và tiến tới phát triển thị trường carbon.

Liên quan đến vấn đề này, ở góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cho rằng, để có thể thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm phát thải cần có sự chung tay từ cộng đồng. Cũng theo ông Nhựt, TPHCM có sự nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn; nhiều mô hình giảm thiểu chất thải, tái sinh, tái chế, tái sử dụng chất thải đã được hình thành, giúp giảm khối lượng chất thải ra các phải chôn lấp. Từ đó, giảm phát thải khí carbon, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.

Trên toàn địa bàn TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM đang chịu sức ép ngày càng gia tăng từ tác động của BĐKH, nhất là tình trạng nước biển dâng. Bên cạnh đó là những tác động do con người gây ra như sụt giảm nước ngầm, sụt lún đô thị. Tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất và sinh hoạt đã gây sức ép lên hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện của thành phố. TPHCM nhận thấy rằng, phát triển bền vững không còn là lựa chọn mà là con đường duy nhất phải đi để giải phóng các nguồn lực cần thiết cho sự phát triển. Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thích ứng với BĐKH, TPHCM đang triển khai các đề án quan trọng như xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số, quy hoạch giao thông, quy hoạch chống ngập và xử lý nước thải. Ngoài ra, thành phố cũng đang nỗ lực chuyển đổi cơ cấu từ kinh tế thâm dụng lao động phổ thông sang kinh tế dịch vụ sáng tạo, phát triển các công nghệ đột phá, khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT, từ tháng 4-2022, TPHCM đã phối hợp với WB thành lập nhóm công tác chung giữa TPHCM và WB về phát triển toàn diện và bền vững của thành phố. 

Nhóm công tác chung có 8 nhóm kỹ thuật để tập trung xây dựng 8 đề án thành phần phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững, trong đó có nhóm phát thải carbon thấp. Kế hoạch đô thị carbon thấp ở TPHCM bao gồm các hoạt động: khuyến nghị và đề xuất hành động cần thiết nhằm đạt mục tiêu phát triển của thành phố trong lĩnh vực phát thải carbon thấp; đề xuất chương trình đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên; đề xuất tháo gỡ các vướng mắc về chính sách với các bộ, ngành Trung ương...

Tin cùng chuyên mục