Thông tin từ Bộ NN-PTNT ngày 20-6 cho biết, ngay sau khi tỉnh Thái Nguyên công bố tình trạng khẩn cấp về sự cố thấm thân đập tại hồ Núi Cốc, đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ NN-PTNT đã đến kiểm tra trực tiếp tại hiện trường và làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên để bàn biện pháp xử lý sự cố.
Chiều 20-6, ông Đồng Văn Tự, Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập, cho biết, sau khi kiểm tra thực địa, đoàn công tác thấy cần phải có biện pháp sửa chữa cấp bách sự cố tại công trình này để đảm bảo an toàn công trình trước mùa mưa bão.
Bộ NN-PTNT cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị bố trí kinh phí và sửa chữa các hư hỏng tại đập hồ Núi Cốc nói chung và những hồ chứa còn lại trên địa bàn.
Theo ông Đồng Văn Tự, sự cố tại hồ Núi Cốc là do đập thoát nước ở hạ lưu xây dựng lâu và bị xuống cấp, bị tắc nên đường thoát nước dòng thấm ở đập ra phía hạ lưu bị đẩy lên trên. Qua khảo sát thì hệ số thấm vượt mức cho phép, dòng thấm về hạ lưu lớn hơn mức bình thường. Giải pháp xử lý là có thể khoan phụt tạo màng để khắc phục hiện tượng thấm trước khi tích nước vào mùa mưa. Sửa chữa thoát nước đằng sau hạ lưu đập, đồng thời tạo màng chống thấm cho thân đập đảm bảo an toàn cho công trình lâu dài.
Trước mắt, phải lắp đặt ngay một số trang thiết bị hỗ trợ quản lý vận hành như các thiết bị đo mưa trên lưu vực để tăng cường khả năng dự báo; rà soát phương án đảm bảo an toàn đập trong mùa mưa lũ và đảm bảo an toàn hạ du; xây dựng cơ chế phối hợp thông tin tuyên truyền để khi xảy ra tình huống lũ lớn phải chủ động xả lũ, tránh ngập lụt vùng hạ du, đảm bảo an toàn tính mạng người dân.
Hồ Núi Cốc là một trong những hồ nhân tạo được xây dựng từ năm 1973 nhằm mục đích trữ nước làm thủy lợi (có gắn với du lịch) có diện tích lớn ở miền Bắc với tổng diện tích mặt hồ rộng 25km2, sâu 35m, dung tích của hồ ước khoảng 176 triệu m3. Hồ được xây dựng để cung cấp nước tưới cho 12.000 ha đất và giảm nhẹ lũ cho hạ lưu sông Cầu.