Câu chuyện của thế hệ 1975

Họ sinh ra và lớn lên trong thời bình. Tuy nhiên, năm ra đời của họ lại gắn liền với một giai đoạn lịch sử của đất nước và TPHCM. Những người thuộc thế hệ 1975 hôm nay như một minh chứng cho sự phát triển của dân tộc từ sau “Mùa xuân đại thắng 1975”.

1. “Mẹ sinh tôi vào ngày 30-4-1975 tại huyện Cần Giờ, TPHCM, đặt tên là Hòa Bình, như chính ước nguyện của bà về ngày đất nước hòa bình, thống nhất và nay đã thành sự thật. Sinh ra vào ngày lịch sử trọng đại là may mắn và vinh dự rất lớn của cuộc đời tôi. Thế hệ chúng tôi trưởng thành song hành với sự thay da đổi thịt của đất nước, chứng kiến từng viên gạch đầu tiên đắp xây cuộc sống mới. Trong chúng tôi luôn mang theo niềm tự hào cùng với ý niệm khao khát cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc”, anh Đoàn Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, chia sẻ.

Lớn lên cùng những khó khăn của thành phố khi mới vừa giải phóng, lớp học là mái đình làng lợp lá, phên tre và ở nơi huyện đảo của thành phố ngày ấy, lực lượng giáo viên còn mỏng, một thầy phải phụ trách tận 3, 4 môn, nhưng tựu chung lại trở thành nguồn động lực để thôi thúc mọi người cố gắng.

“Đến cấp 2 và cấp 3, lớp tôi học chỉ có 8 đứa. Chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe đạp, miệt mài hơn 10km để đến trường. Đường lúc ấy là đất đỏ, hôm nào nắng thì bụi mịt mù nhuộm đỏ cả áo quần đầu tóc, hôm nào mưa thì toàn bùn sình. Nhưng chúng tôi vẫn cố đến lớp để tròn con chữ, vẫn vững cái ý chí thành tài mà làm giàu cho quê hương đất nước”, anh Hòa Bình kể.

Và khi những khó khăn đi qua, thế hệ những người sinh năm 1975 ngày ấy, vẫn luôn mang trong mình một niềm tự hào về thế hệ của hòa bình, độc lập. Anh Hòa Bình xúc động: “Thế hệ chúng tôi hay được nhiều người ví là “thế hệ vàng”, bởi kể từ đây, chúng tôi được sinh ra và lớn lên trong cuộc sống hòa bình, độc lập. Niềm tự hào ấy nuôi lớn động lực trong tôi, quyết tâm sống cho xứng với ngày sinh đầy ý nghĩa của mình…”.

Hôm nay, khi nói về ngày 30-4, có lẽ người ta sẽ nói đến những đổi thay của thành phố, sự vươn lên trong 45 năm qua từ sau mùa xuân đại thắng. Mỗi một xã, xóm, ấp… đều là một “tế bào” quan trọng của thành phố, các đơn vị hành chính địa phương dù nhỏ nhất nhưng phải vững mạnh. Để có được điều đó, phần lớn phụ thuộc vào quyết tâm của cán bộ địa phương.

“Tôi luôn quan niệm phải hoàn thành tốt chức trách, hết lòng vì dân, vì cái chung, từ đó mới có thể đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Trước hết, tôi phải đảm bảo sự phát triển cho nơi mình công tác. Bắt đầu từ nhiều việc làm như: công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt là người nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giải đáp kịp thời các thắc mắc, khiếu nại”, anh Bình bày tỏ.

2. “Như những người con sinh ra và lớn lên ở Củ Chi, khi nghe nội kể về thời chiến tranh, những mất mát…, tôi thật sự thấy đau lòng. Những liệt sĩ trong gia đình tôi đều hy sinh lúc tuổi đời chỉ ngoài hai mươi. Bà nội mất con đau đáu nhớ thương. Ba tôi cũng tham gia kháng chiến cho tới ngày đất nước hòa bình. Khi soi lại mình, được sinh ra ngay thời điểm đất nước vừa hòa bình, được tạo điều kiện đi học và phát triển, tôi luôn thấy may mắn. Tôi nhớ, ngày còn nhỏ vùng đất ấy nhiều khó khăn. Đó là thời kỳ không có điện, đốt đèn dầu, ăn cơm độn khoai mì, khoai lang… Ký ức tuổi thơ về những năm tháng sống ở Củ Chi sau này trở thành hành trang để tiếp bước, sống với truyền thống gia đình, sống hết mình với hiện tại. Những khó khăn giai đoạn đầu không phải là rào cản, nó quá nhỏ nhoi so với gian truân của những người đi trước. Mình không phải sống trong cảnh bom rơi đạn lạc, không phải đi tránh những trận càn của quân giặc…”. Chị Võ Thị Trung Trinh, một người con từ đất thép thành đồng Củ Chi sẻ chia với chúng tôi khi mở đầu câu chuyện của thế hệ 1975. 

Câu chuyện của thế hệ 1975 ảnh 1 Chị Võ Thị Trung Trinh (đứng) cùng các đồng nghiệp tại Sở TT-TT TPHCM

Hiện tại, ở tuổi 45, khi đã là Phó giám đốc Sở TT-TT TPHCM, chị vẫn nhớ rất rõ những ngày đầu gắn bó với công việc và luôn cảm ơn những hy sinh từ gia đình mình và biết bao nhiêu sự hy sinh lớn lao khác ngày trước nữa. “Có sự hy sinh đó mới có được hòa bình và cuộc sống ngày hôm nay”, chị nói.

Với tâm niệm làm việc với niềm đam mê và trách nhiệm để góp phần cùng chính quyền thành phố có những cải cách, cải tiến mới phục vụ lợi ích của người dân, doanh nghiệp tại thành phố, trong những năm qua, chị Trinh đã tham mưu nhiều giải pháp cho thành phố trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Đặc biệt, cuối năm 2017, TPHCM đã ban hành “Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”, trong đó, chị được giao nhiệm vụ triển khai kế hoạch xây dựng kho dữ liệu dùng chung của thành phố, một trong bốn trụ cột của đề án đô thị thông minh.

Chị cho biết, đang hoàn thiện phần các cơ sở dữ liệu gốc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, dân cư, hộ tịch… để thành phố có kho dữ liệu dùng chung, đóng vai trò thiết yếu trong việc triển khai đề án đô thị thông minh. Đến thời điểm này giai đoạn một của kho dữ liệu dùng chung đã được đưa vào sử dụng và đã phát huy hiệu quả những ứng dụng công nghệ thông tin của các sở, ngành, quận huyện.

Theo chị Trinh, công tác cải cách hành chính đã hỗ trợ việc thực hiện các thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp ngày càng nâng cao, cần chất lượng phục vụ luôn cải thiện. Điều đó đòi hỏi bất kỳ cá nhân, tổ chức phải xác định tâm thế hôm nay mình đã làm tốt thì phải luôn tính toán những bước tiếp theo để làm tốt hơn… như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Sự cải cách là hàng ngày, theo sự vận động, quy luật tự nhiên. 

Đứng ở vị trí công việc và cũng là công dân của thành phố, chị Trinh cho rằng, câu chuyện của thành phố trong những năm kế tiếp là phải đẩy mạnh tính hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản trị đô thị hiệu quả, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số. Quan trọng nhất trong mục tiêu cải tiến đó phải đáp ứng, phục vụ cho lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Những cải cách phải lấy thước đo là sự hài lòng, hiệu quả và lợi ích của  người dân và doanh nghiệp. Chị mong, thành phố phát triển theo hướng bền vững. “Cần sử dụng nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, hiệu quả để vốn đầu tư công trở thành đòn bẩy, nguồn lực kích thích sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là sau thời kỳ dịch bệnh này, nguồn vốn đó rất có ý nghĩa”, chị góp ý thêm.

3. Từ ấu thơ đến lúc trưởng thành, bác sĩ Trương Dương Tiển, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu khu D, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM gắn liền với những phát triển và đổi thay từng ngày ở thành phố. “Ở đây nhịp sống năng động lắm, gần như những xu hướng mới trên thế giới là thành phố đều bắt kịp và đi đầu”, bác sĩ Dương Tiển chia sẻ.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, lớn lên trong thời bình và hiểu về cuộc chiến qua lời kể của ba mẹ, sách vở, bác sĩ Tiển tâm sự: Cuộc sống thời đó rất khó khăn, vì đất nước vừa mới thống nhất, bắt đầu xây dựng lại mọi thứ. Khi mình dần lớn lên thì những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống cũng bớt dần. “Nhiều bạn bè tôi vì hoàn cảnh gia đình nên việc học dang dở, còn những ai có điều kiện hơn một chút đều cố gắng học. Có lẽ vì mình lớn lên trong giai đoạn đất nước còn khó khăn, đó cũng là động lực để thôi thúc mình cố gắng học, không bỏ cuộc, để thay đổi cuộc sống ở tương lai tốt hơn”, anh chia sẻ.

Bác sĩ Tiển nói về công việc của một người khoác áo blouse trắng: “Tôi nghĩ không chỉ ở thành phố này, mà ở bất cứ nơi đâu, làm ngành nghề nào cũng cần phải có tâm lẫn tài. Với ngành y thì phải lấy chữ đức làm trọng, bởi trong chữ đức đã bao gồm cả chữ tài. Không có tài mình không thể cứu chữa mọi người và nếu không giúp được mọi người thì sao gọi là đức. Lấy chữ đức làm trọng là vậy”.

Và hôm nay, khi nói về 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cũng là tuổi 45 của chính mình, bác sĩ Dương Tiển chia sẻ: “Ở một đô thị lớn như TPHCM ắt hẳn vẫn còn những tồn tại và sẽ dần hoàn thiện. Tuy nhiên, mình phải biết nhìn nhận điều tốt và tích cực để phát huy. Xã hội sẽ có cách tự điều chỉnh và cân bằng, chúng ta phải biết hướng về những mặt tốt đẹp và xây dựng, hoàn thiện những điều bản thân thấy chưa hài lòng”.

4. Gặp TS Nguyễn Văn Long Giang, Phó trưởng Khoa Đào tạo chất lượng cao Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, anh kể nhiều điều giản dị về ngày sinh đặc biệt cũng như về nghề giáo mà anh theo đuổi hơn 22 năm qua. “May mắn được sinh ra trong ngày đất nước thống nhất là niềm hạnh phúc cho bản thân tôi và gia đình. Sau này lớn lên, được gia đình cho đi học đàng hoàng, được nhà trường tạo điều kiện làm việc, du học để nâng cao trình độ… thì nhiệm vụ của mình là đóng góp lại cho nhà trường, cho xã hội”, anh Giang bắt đầu câu chuyện. 

Là sinh viên tốt nghiệp Khoa Cơ khí động lực Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nhiều bạn bè cùng khóa ra trường chọn làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước, mức lương khá cao, riêng anh suy nghĩ khác: “Lúc đó, tôi muốn ở lại trường để được tiếp tục học thêm, chứ ra trường đi làm sẽ không còn thời gian để học nữa. Nghề giáo thật sự cho tôi quá nhiều thứ”.

Bên cạnh công việc giảng dạy, anh Giang đã có 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ. Các đề tài chủ yếu phục vụ cho khoa học công nghệ, theo hướng giảm ô nhiễm cho xe tải, giảm khói đen, cải thiện hiệu suất động cơ các xe, đặc biệt là xe container, xe tải lớn. Trong đó đề tài “Chuyển đổi hệ thống động cơ chạy diesel sang dùng nhiên liệu kép” do anh chủ trì thực hiện. Hiện nay, Cảng Cái Mép đang triển khai hệ thống này cho toàn bộ xe chạy trong cảng; một số đơn vị, nhà máy cũng sử dụng hệ thống này để giảm ô nhiễm.

Tin cùng chuyên mục