Buổi chiếu ra mắt bộ phim “Bi, đừng sợ!” tại TPHCM thu hút khá đông giới chuyên môn đến xem. Đây là một bộ phim từng gây tò mò và khiến nhiều người chờ đợi vì sự “ồn ào” của những thông tin được tiết lộ suốt cả năm 2010, và nghe đâu vì sự nhạy cảm của nội dung nên phim không thể đến được với khán giả Việt Nam. Năm 2011, nhân sự kiện cuộc tranh tài Cánh diều vàng, “Bi, đừng sợ!” đã thoát khỏi “vòng kim cô” để chính thức công chiếu tại 2 cụm rạp ở Hà Nội và TPHCM. Nhưng…
Có thể gọi tên cảm giác của những ai xem bộ phim buổi ra mắt đó là “thất vọng”. “Bi, đừng sợ!”, một cái tên gợi cho người nghĩ ngay đến nỗi sợ hãi nào đó của một cậu bé, nhưng suốt cả bộ phim là hình ảnh một đứa trẻ nghịch ngợm, hồn nhiên và đáng yêu như chính cái tuổi của cậu. Có nghĩa là xem xong chẳng hiểu Bi sợ gì và thực ra thằng bé cũng chẳng sợ gì hết…
Đạo diễn Phan Đăng Di giải thích trên một số báo rằng “Bi chẳng có gì phải sợ... “Bi, đừng sợ!” thực ra là câu mà người lớn đang tự nói với chính mình, như một cách tự trấn an”. Hóa ra, đôi khi muốn hiểu sâu xa một vấn đề, sự theo dõi, quan sát, cảm nhận không thôi không đủ, mà còn cần sự giải thích từ chính tác giả! Cũng vậy đối với cả bộ phim, một câu chuyện rời rạc với mỗi nhân vật như tách riêng không có sự liên quan.
Cậu bé Bi được xem là một nhân vật xuyên suốt trong câu chuyện này, nhưng cậu lại không được xem là nhân vật dẫn chuyện. Sự xuất hiện của cậu bé, những hành động, những lời nói của cậu chẳng liên quan gì đến cốt truyện mà bộ phim mang đến cho người xem.
Phim có nhiều chi tiết song hầu hết các chi tiết lại không mang đến cho người xem một thông điệp gì. Ví dụ như hình ảnh người đàn ông tắm truồng trong xưởng sản xuất nước đá, người thanh niên khỏa thân ở trong hồ bơi, con thằn lằn trong bô đựng nước tiểu, trái dưa hấu mà cậu bé Bi khám phá ngoài vùng cỏ lau nơi bến sông và cất giấu cho riêng mình nhưng sau đó bị mấy đứa bé khác ăn trộm mất, trái táo mà Bi nghịch ngợm thả vào thùng chứa nước làm nước đá…
Tất cả như được quăng vào câu chuyện và tùy người xem muốn hiểu sao thì hiểu. Chính nhà phát hành bộ phim cũng đã phải lên tiếng dặn dò: “người xem đừng cố tìm hiểu, bóc tách những hình ảnh lạ trong phim”…
“Bi, đừng sợ” được xem là bộ phim mô tả nỗi khát khao, uẩn ức sâu kín của con người. Phần nhiều đó là những khát khao về mặt tình dục bị kiềm chế không được thỏa mãn. Tuy nhiên, trong bản phát hành mà người xem đang chứng kiến tại rạp thì đó là những nhân vật như những cái bóng vật vờ trong một không gian nóng nực, ngột ngạt, những con người chỉ có thể dùng nước đá để giải tỏa cơn nóng và cảm xúc về tình dục của chính mình.
Một anh chồng nát rượu, hết ngày này tới ngày khác, anh ta rời quán nhậu trong tình trạng say khướt và tìm đến một tiệm gội đầu để được một cô gái trẻ trung phục vụ. Một ngày kia, sau khi cố tình quan hệ tình dục với cô gái mà không được, anh ta liền về nhà đè vợ ra… Nhân vật cô vợ là một phụ nữ cam chịu, phục tùng, nhẫn nhục với gia đình chồng và luôn cảm thấy thiếu thốn trong đời sống tình dục vì sự lạnh nhạt của chồng.
Rồi đến cô em chồng là một cô giáo đã “quá lứa lỡ thì” bỗng chốc bị cú sét ái tình với một cậu học sinh nhường chỗ ngồi trên xe buýt… Và còn một ông bố già nua, bệnh hoạn song dường như vẫn tràn đầy xúc cảm trước những đụng chạm của cô con dâu…
Nhiều ý kiến cho rằng đạo diễn Phan Đăng Di làm bộ phim này theo trường phái tả thực. Tuy nhiên, những gì mà bộ phim mang đến người xem lại xa lạ, và đôi lúc khiến người xem cảm thấy quái đản, kỳ cục. Không thể nói đó là “những khám phá những gì bình dị nhất trong cuộc sống thường ngày của những con người rất đỗi bình thường”. Đem đến cho thế giới một hình ảnh về con người Việt Nam như vậy liệu có phù hợp chăng?
Hiện phim đang chiếu tại cụm rạp Galaxy TPHCM.
Hà Giang