Chạy đua dạy - học trực tuyến

Sau gần 2 tháng trường học đóng cửa vì dịch Covid-19, ghi nhận chung tại các trường phổ thông trên địa bàn TPHCM cho thấy, dạy học trực tuyến đang dần phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, do mới dừng ở việc khuyến khích, chưa bắt buộc tất cả học sinh tham gia nên thực tế các trường triển khai chưa đồng bộ, thống nhất.

Mỗi trường một kiểu

Theo thầy Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), dạy học trực tuyến đã triển khai đồng loạt ở tất cả khối lớp, bước đầu ghi nhận hơn 80% học sinh toàn trường tham gia. Tương tự, tại Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), Hiệu trưởng Cao Đức Khoa cho biết học sinh toàn trường đang nhận bài tập được giáo viên gửi qua web để ôn tập và củng cố kiến thức, riêng học sinh khối 9 được tham gia các lớp học trực tuyến, tương tác trực tiếp với giáo viên ở 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh.

“Với nhiều học sinh, phương pháp dạy học trực tuyến còn khá mới mẻ nên các em rất hào hứng tham gia. Tuy nhiên, các điều kiện trang thiết bị tối thiểu như máy vi tính, tai nghe, đường truyền Internet không phải gia đình nào cũng giống nhau nên chưa thể đòi hỏi 100% học sinh đều tham gia”, thầy Khoa bày tỏ.

Chạy đua dạy - học trực tuyến ảnh 1 Hai em Nguyễn Huỳnh Bách (lớp 7 Trường THCS Đinh Thiện Lý) và Nguyễn Huỳnh Thông (lớp 3 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu) học trực tuyến tại nhà. Ảnh: THANH TÙNG

Với học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh), giáo viên tận dụng kho bài giảng có sẵn trên mạng, giới thiệu thêm các đường link tài liệu ôn tập kết hợp với việc thường xuyên nhắc nhở, tạo thói quen tự học nhằm giúp học sinh không quên kiến thức, đồng thời dễ dàng bắt nhịp khi quay trở lại trường học.     

Với cách làm khác, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) không triển khai đồng loạt dạy học trực tuyến mà khuyến khích giáo viên nào có đủ điều kiện thì triển khai, các lớp còn lại học sinh nhận bài tập qua phần mềm ôn tập, kết hợp thêm các nguồn tài liệu do giáo viên hướng dẫn để tự ôn kiến thức tại nhà.

Một giáo viên dạy Toán tại trường THPT ở quận 3 chia sẻ: “Do triển khai theo hình thức tự phát nên tổ bộ môn đã thay đổi công cụ dạy học đến 3 lần trong 2 tháng. Tuy có thể đánh giá mức độ tác động của các phần mềm bằng cách thống kê tỷ lệ học sinh tham gia, nhưng hiệu quả tiếp nhận kiến thức không đo lường được do thiếu công cụ đánh giá”. 

Còn hiệu trưởng một trường tiểu học tư thục ở quận Bình Thạnh lý giải, dạy học trực tuyến đang rơi vào cảnh “làm theo phong trào” do thiếu định hướng dạy học rõ ràng. Một phần nguyên nhân là do chưa thể xác định thời gian cụ thể học sinh đi học trở lại, mặt khác do điều kiện cơ sở vật chất giữa các trường không giống nhau, chưa kể năng lực giáo viên và đặc thù từng môn học, nên khó đặt ra yêu cầu triển khai đồng loạt. 

Kết hợp nhiều giải pháp

Thầy Nguyễn Thành Phát đánh giá, thời gian đầu khi mới triển khai dạy học trực tuyến, một số giáo viên trong trường gặp khó trong việc làm quen và thao tác với thiết bị công nghệ hiện đại. Nhưng để dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, không chỉ đòi hỏi trách nhiệm từ phía trường phổ thông mà cần vai trò xã hội hóa của phụ huynh, trong đó đóng góp không mang nghĩa hẹp là tài lực, mà là chia sẻ về nhân lực, vật lực.

Trong tình thế vừa làm vừa hoàn thiện, thầy Nguyễn Thành Phát cho biết cần nỗ lực nhiều hơn của từng giáo viên trong việc lựa chọn nội dung và phương pháp giảng dạy. Giáo viên có thể chia nhỏ bài giảng, chọn những nội dung gần gũi, đơn giản, giúp học sinh dễ tiếp thu kiến thức. Vì vậy, không nên đòi hỏi sự đồng đều giữa các giáo viên mà cần tôn trọng sự linh hoạt, đánh giá hiệu quả bằng quá trình chứ không dựa vào số lượng học sinh tham gia qua mỗi buổi học.   

Chạy đua dạy - học trực tuyến ảnh 2 Em Nguyễn Huỳnh Thông, lớp 3 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh) 
làm quen cách học trực tuyến với sự hướng dẫn của anh Nguyễn Huỳnh Bách, lớp 7 Trường THCS Đinh Thiện Lý (quận 7, TPHCM). Ảnh: THANH TÙNG

Theo Th.S Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), người dạy cần thay đổi tư duy dạy học cho học sinh. Thay vì truyền thụ kiến thức qua những bài giảng khô khan, giáo viên có thể xem dạy học như một hoạt động “học mà chơi, chơi mà học”, trong đó tích hợp kiến thức với các hoạt động, kỹ năng.

Bên cạnh đó, trong khi chờ đợi cơ sở pháp lý cho phương pháp dạy học trực tuyến - vốn đã được thảo luận nhiều nhưng chưa được công nhận trong Luật Giáo dục sửa đổi, bản thân cán bộ quản lý phải được cởi trói tâm lý, không nên áp đặt một hình thức triển khai cụ thể trong từng cơ sở giáo dục mà nên tạo tâm lý thoải mái, phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mỗi giáo viên.

Trước phản ánh của phụ huynh về việc Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) tổ chức học trực tuyến có thu tiền của phụ huynh, phóng viên Báo SGGP đã liên hệ và nhận được phản hồi như sau: Nội dung các lớp học online không nhằm ôn tập kiến thức cũ mà theo lộ trình học tại lớp của từng học viên.

Theo đó, mỗi buổi học diễn ra trong vòng 1 giờ, có trợ giảng hướng dẫn đầu giờ, duy trì sĩ số bằng 50% sĩ số lớp học bình thường. Đối với các phụ huynh, học viên không sắp xếp được thời gian hoặc không đồng ý học online, sau khi trung tâm mở cửa hoạt động trở lại, học viên vẫn được bố trí học đúng và đủ theo chương trình học đã đăng ký trước đó.

Tin cùng chuyên mục