Chế tài mạnh hành vi buôn bán, sử dụng động vật hoang dã

Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, 70% mầm bệnh toàn cầu được phát hiện trong 50 năm qua đều đến từ động vật.
Lực lượng chức năng triệt phá một điểm buôn bán động vật hoang dã
Lực lượng chức năng triệt phá một điểm buôn bán động vật hoang dã

Ngày 29-2-2020, phái đoàn chuyên gia của WHO và Trung Quốc đã cùng công bố báo cáo về dịch Covid-19, xác định virus bắt nguồn từ động vật hoang dã (ĐVHD), trong đó dơi là nghi can số 1. 

Cùng với Trung Quốc, Việt Nam là một trong những điểm trung chuyển và tiêu thụ ĐVHD lớn trên thế giới. Không có con số chính xác, nhưng theo nhiều chuyên gia, thị trường buôn bán ĐVHD trị giá nhiều tỷ USD. Thế nhưng, các thiệt hại do dịch Covid -19 đang gây ra cho kinh tế toàn cầu lớn hơn nhiều (đã có tính toán lên tới 2.000 tỷ USD). Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, Điều phối viên Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN), một số người Việt Nam lâu nay có tập quán thích ăn thịt thú rừng, vì thế, tình trạng săn bắt, mua bán vận chuyển thú rừng xảy ra tràn lan ở khắp mọi miền, rất nhức nhối. Đã có nhiều người chết sau khi giết mổ, ăn thịt ĐVHD do bị nhiễm các loại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm từ các loại động vật trên. 

Để ngăn chặn nạn buôn bán, sử dụng ĐVHD, chúng ta cần đẩy mạnh các biện pháp, như cấm hoàn toàn các chợ, nhà hàng bán ĐVHD; cấm cán bộ nhà nước ăn thịt thú rừng; đề xuất luật phải xử phạt cả người sử dụng, sở hữu các sản phẩm từ ĐVHD chứ không chỉ những người buôn bán vận chuyển; nghiêm cấm quảng cáo bán ĐVHD và các nội dung cổ súy việc bắt bẫy, tiêu thụ ĐVHD trên mạng; quy trách nhiệm cho UBND các địa phương để diễn ra vi phạm; đề xuất tiêu hủy ĐVHD (đã chết) bị thu giữ thay vì bán đấu giá… 

Theo GS-TS Trần Văn Điển, Tổng cục Lâm nghiệp, để có thể ngăn chặn được nạn buôn bán, sử dụng ĐVHD, rất cần sự đồng thuận, chung tay của cộng đồng. Trong đó, luật pháp cần chế tài nghiêm khắc hơn để có tính răn đe.

Tin cùng chuyên mục