
Từ chương trình trợ vốn nuôi bò sinh sản do bạn đọc Báo SGGP chung tay thực hiện, trên 40 hộ nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị) và huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) được trợ vốn năm 2005 đã có thể lạc quan về cuộc sống phía trước. Mới đây, niềm vui này lại đến với 20 gia đình nạn nhân CĐDC dân tộc thiểu số ở Gia Lai khi mỗi gia đình nhận được một con bò làm vốn từ chương trình này.

Anh Rơ Chăm Vớ ở làng Phung, xã Ia Mơ Nông vui mừng khi bắt thăm được con bò đẹp nhất.
Kiếm được 5 triệu đồng để mua một con bò đối với một gia đình bình thường đã là khó, với một gia đình nạn nhân CĐDC càng xa vời hơn. Chính vì thế, khi lần đầu tiên trong đời được cầm sợi dây thừng dắt con bò của chính mình về làng, anh Rơ Chăm Vớ, ở làng Phung, xã Ia- Mơ Nông rất hồ hởi. Con bò của anh Vớ lại đang có chửa, chỉ 5 tháng nữa là anh đã có một chú bê con.
Niềm vui được tặng bò khiến 4 gia đình nạn nhân CĐDC ở các làng Mơng, Kép xã Ia Mơ Nông không ngủ được. Chưa đến giờ hẹn, bà con đã lục tục kéo đến trụ sở UBND xã chờ nhận bò. Chị Rơ Chăm Th’lát tay bế cháu Rơ Chăm Per mắt rực sáng khi nhìn thấy chiếc xe chở 4 chú bò đi vào cổng ủy ban.
Cháu Rơ Chăm Per, từ khi mới sinh ra đã bị biến dạng khuôn mặt với một cục bướu máu chặn ngang miệng. Đến nay, cháu được 5 tuổi, cục bướu phát triển nhanh đến nỗi cháu ăn uống rất khó khăn. Bà con Ê Đê thường lấy đặc điểm của đứa trẻ để đặt tên cho con nên trong số 4 cháu nạn nhân CĐDC ở Ia Mơ nông theo bố mẹ đến nhận bò, có đến 2 cháu có tên là Rơ Chăm Bôm (Bôm là mù mắt).
Mắt của cả hai cháu Bôm đều không có nhãn cầu, không có cách gì phục hồi được thị lực. Bất hạnh nhất là cháu Rơ Chăm Sul, con chị Rơ Chăm Tích ở làng Vân, xã Ia ly và cháu Rơ Chăm Minh, con chị Rơ Chăm Hyur ở làng Ý Ôi, xã Ia ka. Cháu Sul đã 7 tuổi vẫn như đứa trẻ sơ sinh, nằm bất động trên tay mẹ, khuôn mặt xinh xắn nhưng đôi mắt hoàn toàn vô cảm, trong khi cháu Minh, 4 tuổi, thì khóc ngặt nghẹo, không lúc nào yên.
Cả 10 gia đình nạn nhân CĐDC được trợ vốn nuôi bò lần này đều có từ một đến hai con bị nhiễm chất độc da cam với nhiều dị tật khác nhau. Cả 10 gia đình đều sống khó khăn, thường xuyên thiếu cái ăn vì chỉ có vài rẻo đất trồng ngô, trồng lúa. Chị Ksor Nhan, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai, cho biết, cả huyện Chư Păh có đến 396 cháu bị nhiễm CĐDC, trong đó 334 cháu bị nhiễm rất nặng. Chư Păh là một trong những nơi hứng chịu một lượng CĐDC lớn do quân đội Mỹ rãi vào tháng 10 năm 1961. Nhiều gia đình đến thế hệ thứ ba vẫn tiếp tục gánh hậu quả của loại chất độc này.
Trong điều kiện còn khó khăn về kinh phí, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực thực hiện các chương trình chăm sóc y tế và hỗ trợ đời sống cho các gia đình nạn nhân. Trên 260 cháu được phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng, 500 nạn nhân khác được tặng xe lăn để có thể tự đi lại sinh hoạt cá nhân, đỡ bớt gánh nặng cho các gia đình. Trong hai năm 2004-2005, hội cũng đã tặng 43 con bò cho các gia đình nạn nhân ở các xã để bà con cải thiện cuộc sống.
Hiện nay, trên toàn tỉnh Gia Lai vẫn còn trên 12.000 gia đình nạn nhân CĐDC, trong đó phần lớn là bà con dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn, chưa được hưởng trợ cấp xã hội. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai kêu gọi những tấm lòng hảo tâm ở mọi miền đất nước góp sức, chung tay cùng địa phương chăm lo cho những đồng bào bất hạnh này.
NGỌC YẾN