Chiêm ngưỡng "Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường" cùng tác giả Đặng Hoàng Giang

Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường (Omega Plus và NXB Hội Nhà văn) là tác phẩm mới nhất của tác giả Đặng Hoàng Giang. Trong 9 năm qua, tác giả Đặng Hoàng Giang đã viết 5 đầu sách đều được đón nhận rộng rãi với khoảng 250.000 bản đã được bán ra.

Trong cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường, qua những chuyến đi và những cuộc trò chuyện của đôi bạn trẻ hư cấu là Tò Mò và Suy Ngẫm - hai nhân vật đại diện cho những người trẻ ham học hỏi, có cá tính riêng và cùng yêu thiên nhiên, tác giả Đặng Hoàng Giang chỉ ra hệ lụy từ cách mà chúng ta đang thưởng thức vẻ đẹp của phong cảnh và sinh vật. Hóa ra, thị hiếu, quan điểm của chúng ta về đẹp và xấu trong tự nhiên không đơn giản là những thứ tùy gu, thuộc sở thích cá nhân mà tác động trực tiếp đến cách ta kiến tạo thế giới.

z5939589540690_bbee0bcde8f8defe51c9b89b9e4c8707.jpg

Cuốn sách mở ra những con đường mới để mỗi người có thể phát triển khả năng rung động và kết nối sâu sắc với mọi hình thái của thiên nhiên, thay vì chỉ với những phong cảnh "hợp Instagram". Hành trình của Tò Mò và Suy Ngẫm cũng giúp ta đi xuyên qua vẻ bề ngoài để cảm nhận được vẻ đẹp của sự phong phú, phức tạp và bí ẩn của âm thanh và mùi vị; của chuồn chuồn, nhện và bướm di cư; của đầm lầy, hoa tàn và lúc xấu trời - những điều mà trước kia ta coi là bình thường, thậm chí tầm thường, xấu xí.

Bố cục cuốn sách gồm có 3 phần: Chúng ta đang thưởng thức thiên nhiên như thế nào và vì sao ta cần thay đổi?; Làm giàu năng lực cảm thụ thiên nhiên; Thấy cái đẹp nơi trước kia ta không thấy. Đặc biệt, sách được in màu toàn bộ, có kèm khoảng 100 hình ảnh minh họa sinh động, sắc nét giúp mang đến cho người đọc trải nghiệm tốt hơn về thiên nhiên xung quanh chúng ta.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp chương trình đào tạo Kỹ sư Tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức và có bằng tiến sĩ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Ông là nhà hoạt động xã hội và tác giả phi hư cấu, quan tâm đến các chủ đề văn hóa và xã hội đương đại như môi trường, bất bình đẳng, chủ nghĩa tiêu dùng...

Tin cùng chuyên mục