* Phê chuẩn danh sách Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Bổ sung 7 dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết vào Chương trình năm 2011
Ngày 3-8, với tỷ lệ tán thành 98,4%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Cụ thể như sau:
Các Phó Thủ tướng:
Phó Thủ tướng: Hoàng Trung Hải (93,8%)
Phó Thủ tướng: Nguyễn Thiện Nhân (91,6%)
Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc (95,2%)
Phó Thủ tướng: Vũ Văn Ninh (81,8%)
- Các Bộ trưởng:
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Phùng Quang Thanh (97,4%)
Bộ trưởng Bộ Công an: Trần Đại Quang (95%)
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Phạm Bình Minh (94%)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Nguyễn Thái Bình (87,4%)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Hà Hùng Cường (96,2%)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Bùi Quang Vinh (87,4%)
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Vương Đình Huệ (90,2%)
Bộ trưởng Bộ Công Thương: Vũ Huy Hoàng (91%)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cao Đức Phát (93,6%)
Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải: Đinh La Thăng (71,2%)
Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Trịnh Đình Dũng (92,2%)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nguyễn Minh Quang (80,8%)
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Nguyễn Bắc Son (90,4%)
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Phạm Thị Hải Chuyền (63,2%)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: Hoàng Tuấn Anh (81%)
Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ: Nguyễn Quân (92,8%)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Phạm Vũ Luận (74,4%)
Bộ trưởng Bộ Y tế: Nguyễn Thị Kim Tiến (79,2%)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Giàng Seo Phử (96%)
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Nguyễn Văn Bình (92%)
Tổng thanh tra Chính phủ: Huỳnh Phong Tranh (91,2%)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Vũ Đức Đam (92,6%)
>> Tóm tắt tiểu sử các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ
Thay mặt Chính phủ mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu nhậm chức. Thủ tướng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã tín nhiệm bầu mình và phê chuẩn đề nghị về việc bổ nhiệm các thành viên Chính phủ. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ nhận thức sâu sắc đây là vinh dự lớn, đồng thời là trách nhiệm rất nặng nề.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận rõ nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ là phải tranh thủ tối đa thời cơ thuận lợi, ra sức vượt qua khó khăn thách thức, phát huy thành tựu đã đạt được, nghiêm túc khắc phục hạn chế yếu kém; nỗ lực cao nhất để cùng toàn Đảng, toàn dân phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trước mắt, phải tập trung sức thực hiện quyết liệt và có hiệu quả nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; nhất là chăm lo giảm bớt khó khăn cho người nghèo, người có thu nhập thấp và cải thiện đời sống của nhân dân.
Để hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin cậy giao phó, Thủ tướng cam kết sẽ tập trung sức xây dựng hệ thống hành chính nhà nước, trước hết là xây dựng Chính phủ trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực hiệu quả; kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp, đúng pháp luật và có hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và ngăn ngừa, khắc phục quan liêu.
Trước đó, đầu phiên họp sáng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã báo cáo với Quốc hội kết quả thảo luận tại các đoàn ĐBQH về nhân sự Chính phủ. Về cơ bản, các ý kiến ĐBQH thống nhất với Tờ trình của Chính phủ.
Sáng 3-8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc Tờ trình phê chuẩn danh sách Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Theo đó, căn cứ vào các quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh đã đề nghị Quốc hội phê chuẩn danh sách Hội đồng Quốc phòng và An ninh gồm: Phó Chủ tịch Hội đồng: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các ủy viên gồm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách Hội đồng Quốc phòng và An ninh với tỷ lệ tán thành 97,2%.
Chiều 3-8, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.
Theo Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày tại Quốc hội, có các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2011. Đó là các dự án: Luật Sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến thủ tục hành chính của các luật; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung các pháp lệnh liên quan đến thủ tục hành chính của các pháp lệnh; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Phòng chống rửa tiền; Luật Cơ yếu; Luật Biển Việt Nam; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành biểu thuế bảo vệ môi trường. “Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự án Luật Giáo dục đại học sang chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ II của Quốc hội”, ông Lý cho biết thêm.
Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, dự kiến năm 2012 có nhiều dự án luật có tác động sâu rộng đến xã hội như Luật Quản lý giá, Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Xử lý vi phạm hành chính... được hoàn thiện, trình Quốc hội. Riêng dự án Luật Thủ đô, một dự án được coi là khá “lận đận”, UBTVQH tán thành đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2012)...
A.THƯ
>> Toàn văn phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
>> Tóm tắt tiểu sử các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ
>> Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng: Chưa đủ điều kiện làm đường sắt cao tốc
>> Phối hợp trên dưới một lòng