Phản hồi bài “Ấp...…đèn dầu”
Báo SGGP ra ngày 20-5, có đăng bài “Ấp… đèn dầu”, phản ánh hàng trăm hộ dân ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên (An Giang), dù nằm đối diện trung tâm thành phố Long Xuyên nhưng đến nay không có điện, không có nước sạch, đường giao thông, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… và chịu nhiều thiếu thốn khác.
Sau khi báo đăng, chúng tôi tiếp tục nhận được ý kiến của người dân Mỹ Thạnh mong chờ các ngành chức năng ở An Giang quan tâm đầu tư điện và cơ sở hạ tầng giúp dân nghèo có điều kiện phát triển kinh tế.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Hòa Bình, Trưởng phòng Quản lý điện - Sở Công thương An Giang cho biết, vào tháng 9-2011, sở có báo cáo UBND tỉnh 3 phương án cấp điện cho dân ấp Mỹ Thạnh gồm: kéo điện vượt sông từ thành phố Long Xuyên sang ấp Mỹ Thạnh tốn khoảng 12,7 tỷ đồng; nếu kéo trên không từ xã Mỹ Hòa Hưng sang thì tốn khoảng 18 tỷ đồng. Phương án 2 là trang bị máy phát điện ước khoảng 2,4 tỷ đồng, chi phí đầu tư thấp nhưng nguồn điện không ổn định. Phương án 3 là sử dụng năng lượng mặt trời, kinh phí đầu tư khoảng 9,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay cả 3 phương án trên chưa phương án nào được chọn triển khai. Theo UBND thành phố Long Xuyên, gần đây tỉnh có chủ trương đầu tư điện năng lượng mặt trời cho dân sử dụng, tuy nhiên phải chờ kết quả khảo sát từ việc chỉnh trị dòng chảy trên sông Hậu đoạn ở An Giang xem tình hình sạt lở khu vực này ra sao rồi mới quyết. Về nước sạch đang xúc tiến nguồn kinh phí 4,8 tỷ đồng để xây nhà máy nước cho dân Mỹ Thạnh, nhưng cần chọn nhà đầu tư phù hợp nhất. Đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa thể cấp do còn một số tranh chấp ở ấp Mỹ Thạnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Long Xuyên Trần Thị Kim Loan vừa ký công văn giao cho Phòng Kinh tế thành phố và UBND xã Mỹ Hòa Hưng tổ chức họp dân ấp Mỹ Thạnh tuyên truyền sử dụng điện năng lượng mặt trời phục vụ thắp sáng. Song, khi trao đổi với chúng tôi nhiều hộ dân nơi đây không mặn mà với điện năng lượng mặt trời bởi không ổn định và không phục vụ được sản xuất, dịch vụ. Ông Thái Quốc Phong, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh An Giang (đơn vị triển khai mô hình này) nhìn nhận: “Trình độ của bà con ở đây còn hạn chế nên việc sử dụng điện năng lượng mặt trời gặp khó khăn. Mặt khác, nếu một gia đình dùng cho thắp sáng, cộng với xem ti vi thì tốn chi phí đầu tư từ 15 - 20 triệu đồng; số tiền khá cao so với đời sống dân còn khó khăn. Ngoài ra, chất lượng lâu dài chưa thể đảm bảo?”.
Sở Công thương An Giang cho rằng, xét về góc độc kinh tế khi bỏ ra hàng chục tỷ đồng kéo điện sang cồn Phó Ba (thuộc ấp Mỹ Thạnh) chỉ để phục vụ cho 324 hộ dân với 1.800 nhân khẩu là không hiệu quả. Vì vậy cần nghiên cứu lại có nên bố trí dân cư sống lâu dài tại đây hay không, hoặc có thể di dời toàn bộ dân cồn sang các khu dân cư; đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào cồn phát triển du lịch, vui chơi… nhằm khai thác tối đa lợi thế của cồn Phó Ba, nằm đối diện trung tâm thành phố Long Xuyên.
Theo ông Võ Thành Duyên, Giám đốc Công ty Điện lực An Giang, nguồn vốn công ty có hạn nên không thể kéo điện sang ấp Mỹ Thạnh được. Giải pháp tốt nhất là ngành chức năng An Giang nên đưa ấp Mỹ Thạnh vào chương trình “cấp điện cho thôn bản không điện”, để xin Trung ương xem xét đầu tư từ vốn ngân sách.
Do nhiều ý kiến khác nhau, nên đến nay việc đầu tư điện và các cơ sở hạ tầng ở ấp Mỹ Thạnh vẫn giẫm chân tại chỗ. Bao giờ hàng ngàn người dân ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng có điện thắp sáng và được hưởng cuộc sống như những nơi khác. Câu hỏi này đang chờ các ngành chức năng ở An Giang giải quyết?
HUỲNH LỢI