Chính sách đất đai đột phá cho TPHCM

Ngày 7-4, UBND TPHCM phối hợp Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM tổ chức Hội thảo “Cơ chế chuyển dịch đất đai và chính sách pháp lý đột phá cho TPHCM”. Hội thảo có sự tham dự của đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM; lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, đại diện Văn phòng Chính phủ...

Quản lý chưa hiệu quả

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phan Văn Mãi nêu rõ, đất đai có vai trò quan trọng, là nguồn lực quyết định sự phát triển của địa phương và là nhân tố đầu vào trong quá trình phát triển, có ảnh hưởng đến tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chuyển dịch đất đai được xem là quá trình phân bổ đất đai một cách hợp lý, sử dụng đất đai đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao, đảm bảo công bằng về lợi ích và đảm bảo sự phát triển bền vững của địa phương. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế của TPHCM cho thấy, công tác quản lý đô thị, sử dụng đất đai thời gian qua còn hạn chế, nguồn thu từ đất đai chưa tương xứng với quỹ đất có giá trị cao nhất cả nước.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo

Kết quả thanh tra trong năm 2022 cho thấy, hiệu quả sử dụng đất tại TPHCM chưa cao, số vụ khiếu nại và tố cáo trong công tác thu hồi đất còn khá cao; hơn 65% ý kiến, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo trong 6 tháng đầu năm 2022 chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai. Hiện TPHCM còn khá nhiều khu đất có đủ điều kiện hạ tầng nhưng chưa được khai thác sử dụng, gây lãng phí.

Kết quả thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 13,18%. Việc chuyển đổi chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, gây trì trệ trong phát triển cơ sở hạ tầng và toàn bộ quá trình đô thị hóa của TPHCM.

Đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định, TPHCM cần có những cải cách đột phá trong quản lý đất đai, cụ thể là cơ chế, chính sách đặc thù để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả. Đồng thời cần có các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong đấu thầu dự án, cơ chế tiếp cận quyền sử dụng đất của các chủ đầu tư, cơ chế chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản… nhằm tạo nguồn lực đầu tư phát triển và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai trên địa bàn TPHCM.

Khơi thông nguồn lực

Tại hội thảo, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM, cho rằng, Luật Đất đai 2013 đã giúp hoàn thiện hành lang pháp lý một cách đồng bộ, chặt chẽ cho việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả đất đai - nguồn tư liệu sản xuất quan trọng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các quan hệ kinh tế - xã hội đã cho thấy những điểm không còn phù hợp của pháp luật đất đai so với thực tiễn, dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về đất đai chiếm tỷ lệ cao so với các vấn đề khác. Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải có sự điều chỉnh các quy định trong Luật Đất đai để tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, đồng thời giúp phát huy các nguồn lực từ đất đai.

Ngoài ra, việc xem xét và sửa đổi các quy định của Luật Đất đai cũng cần được chú trọng để khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định xã hội và tạo động lực cho thị trường bất động sản, đảm bảo khai thác đất đai hợp lý, công bằng và hiệu quả.

Đối với TPHCM, công tác quản lý đô thị và sử dụng đất đai thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn những bất cập dẫn đến tình trạng tài nguyên đất chưa sử dụng hiệu quả như mong đợi.

Huyện Củ Chi còn nhiều điều kiện phát triển nguồn lực đất đai. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Huyện Củ Chi còn nhiều điều kiện phát triển nguồn lực đất đai. Ảnh: HOÀNG HÙNG

TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho hay, có một nghịch lý là giá trị đất tăng cao tại các khu vực có các công trình hạ tầng do Nhà nước đầu tư, kéo theo giá trị nhà đất cũng tăng lên khi xem xét làm căn cứ tiến hành bồi thường, giải tỏa, thu hồi đất,. Do vậy, ông kiến nghị cần cho phép mở rộng ranh giới thu hồi đất ngoài ranh dự án, để điều tiết giá trị gia tăng cho phù hợp.

Th.S Trương Trọng Hiểu, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM, nêu ý kiến, cần cho phép TPHCM tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công. Cụ thể, khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B, HĐND TPHCM được quyết định tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; kèm theo mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm đầu tư của dự án độc lập này.

Trên cơ sở đó, UBND TPHCM sẽ quyết định đầu tư hoặc điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng trong phạm vi dự án bồi thường độc lập mà HĐND TPHCM đã quyết định.

TS Trương Minh Huy Vũ Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM:

Chuyển dịch đất đai là vấn đề tương đối xuyên suốt

Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình Quốc hội thì đất đai và chuyển dịch đất đai là một vấn đề tương đối xuyên suốt. Ở TPHCM, để phát triển giao thông công cộng, cụ thể là tuyến metro số 1, chúng ta phải giải quyết một số việc.

Chẳng hạn, chúng ta phải tạo quỹ đất sạch xung quanh tuyến metro số 1. Từ quy hoạch quỹ đất đó, chúng ta có cơ chế đấu giá, đấu thầu, từ đó sẽ phát triển kinh tế đô thị của TPHCM.

Tin cùng chuyên mục