Tại cuộc tọa đàm, ông Doãn Đức Hảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), cho biết, sau hơn 10 năm thi hành Luật Thanh niên, công tác thanh niên đã có những chuyển biến tích cực.
Trong đó, nổi bật nhất là những cơ chế chính sách mới đã tạo thêm nhiều cơ hội học tập, việc làm, lập nghiệp cho thanh niên. Đặc biệt, thanh niên đã được tạo điều kiện để phát huy sức trẻ, sức sáng tạo của mình trong nhiều lĩnh vực hoạt động khoa học, nghiên cứu cũng như được tạo điều kiện để nâng cao đời sống tinh thần qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật Thanh niên cũng cho thấy nhiều vấn đề cần được xem xét và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, những quy định về hỗ trợ học bổng, giảm phí học nghề, ưu tiên tư vấn giới thiệu việc làm cho một số đối tượng thanh niên có tính chất đặc thù được quy định trong luật vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên gần như không phát huy tác dụng.
Bên cạnh đó, công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng thanh niên, chất lượng dạy nghề còn hạn chế. Thực tế, rất nhiều thanh niên tốt nghiệp nhưng tay nghề kém, không đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, cần phải đào tạo lại. Hiện còn một lực lượng khá đông thanh niên ở nông thôn chưa được đào tạo nghề, thiếu việc làm, thu nhập chưa ổn định, thường xuyên đi làm ăn xa. Việc giải quyết việc làm cho thanh niên xuất ngũ còn chưa hiệu quả... Đồng thời, các ý kiến cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ vay vốn cho thanh niên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Tại cuộc tọa đàm, các nhóm thanh niên đã đề xuất một số nội dung mong muốn được đưa vào Luật Thanh niên sửa đổi. Trong đó, bạn Vũ Văn An (21 tuổi), đến từ TPHCM, kiến nghị cần tổ chức các cuộc đối thoại thường niên ở cấp tỉnh và quốc gia để thanh niên có thêm cơ hội nói lên các vấn đề thiết yếu của mình như học phí, việc làm, chỗ ở, sự công nhận của xã hội, bạo lực giới và di cư.
Bạn Lê Anh, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM, cũng kiến nghị cần đưa vào luật tỷ lệ thanh niên tham chính và tham gia vào các cơ quan dân cử để thanh niên thực sự có tiếng nói trong các vấn đề quan trọng của xã hội, của đất nước. Ông Trần Văn Miều, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên Trung ương, cho rằng, sửa luật để tạo cơ hội tốt hơn cho thanh niên là cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng là thanh niên cần phải chủ động học tập, nâng cao trình độ để đủ năng lực phản biện. Thực tế đã có những dự án, những vấn đề gây bức xúc trên địa bàn nhưng thanh niên chưa có đủ năng lực để phản biện hiệu quả.
Ông Doãn Đức Hảo cho biết, theo dự kiến, dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi sẽ được cơ quan soạn thảo trình để Bộ Tư pháp thẩm định trước ngày 31-12-2018, sau đó trình Chính phủ vào tháng 1-2019. Đến tháng 4-2019, dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi sẽ được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến. Đến tháng 5-2019 dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi sẽ được trình lên Quốc hội và dự kiến thông qua vào tháng 10-2019.