Cho một mùa xuân bình an

Đã khi nào bạn tự hỏi tại sao người dân Nam bộ đặt tên “An” cho người và địa danh nhiều như vậy không? Cả một tỉnh mang tên dòng sông an bình là “An Giang”. Rất nhiều ngôi chùa, đình, miếu có tên là An Phước, An Lạc và còn có cơ man nào những khu đô thị, khu dân cư, làng xóm mang tên An Khang, An Điền, An Phú, An Cư, An Thịnh, An Hưng, An Bình… 

Cha mẹ đặt tên con là An thì đâu cũng có. Không phải ngẫu nhiên mà cố NSND Phạm Khắc đặt tên cho nhân vật chính trong phim “Đất phương Nam” là cậu bé An.

An luôn gắn với an bình, an toàn. Nó là một trong số phương châm và mục đích sống hàng đầu của người Nam bộ.

Nhìn lại lịch sử, vùng đất Nam bộ này ngày xưa là vùng đất mới. Cha ông ta đến đây khai khẩn gặp biết bao rủi ro như hổ báo, rắn rết, cá sấu, muỗi mòng… Ngoài thú dữ ra còn rừng rậm, sông nước mênh mông với “lam sơn chướng khí” đủ thứ. Do vậy mà cái “An” được đặt lên như một nhu cầu hàng đầu trong cuộc sống. Ngày tết, 18 đời Vua Hùng lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh làm lễ Kính thiên, các đời vua nhà Nguyễn cũng lên cúng tế ở đền Nam Giao để cầu mong cho Quốc thái, Dân an; Mưa thuận, Gió hòa.

Trong thiên hạ, đầu xuân năm mới, mọi người dân lên chùa, thắp nhén nhang thơm, trước là cầu cho An gia, sau đó mới đến là cầu theo ý nguyện cá nhân.

Năm nay, trong tình hình Covid-19 thế này chắc là trong lời khấn cầu năm mới mong sao cho quốc gia tránh được dịch giã, cầu cho người người, nhà nhà an bình sẽ là ưu tiên số một.

Những ngày này, bất cứ người dân nào cũng tập trung sự chú ý của mình vào các bản tin thông báo tình hình dịch bệnh và dõi theo sự hướng dẫn của Chính phủ về cách phòng chống dịch bệnh. Việc thực hiện giãn cách, vệ sinh, mang khẩu trang không phải là mới, nhưng quả thật gần tết là một thách thức rất lớn. Giãn cách xã hội vào ngày thường đã khó, thì vào ngày tết chắc hẳn rất khó chịu.

Người dân Việt Nam vốn có lối sống cộng đồng, ba ngày tết là qua lại thăm nhau chúc tết, trẻ con chạy khắp làng trên xóm dưới. Bây giờ phải đóng cửa ở nhà. Ai biết nhà nấy hoặc chúc tết nhau qua hàng rào. Nhà thờ họ vắng người qua lại. Tình hình không vui mấy, nhưng chắc mọi chuyện rồi cũng ổn, vì được cái bà con Việt Nam mình thích nghi với hoàn cảnh rất nhanh.

Có lẽ đó là một trong các đặc tính nổi trội nhất của người Việt Nam được hình thành qua nhiều cơn binh lửa của lịch sử. Với dân châu Âu, Bắc Mỹ thì việc phải mang khẩu trang, giãn cách khi mua hàng, ở nhà cách ly với xã hội là điều không dễ, phải mất hơn nửa năm họ mới chấp nhận khẩu trang, với họ đó được coi là “quyền tự do cá nhân”.

Còn dân Việt mình lúc ban đầu có một số người khó chịu đôi chút nhưng ai cũng vui vẻ chấp nhận trên tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình” và “thương người như thể thương thân”. Có lẽ đây là cái tết đầu tiên kỳ lạ như thế ở nước mình.

Tối 27 tết, ngay trước cửa ra vào siêu thị BigC, Gò Vấp, dòng người xếp hàng xin chữ ông đồ miễn phí. Nhiều người trong số đó xin chữ “An” cho thấy nguyện vọng của người dân TPHCM trong năm Tân Sửu về một cuộc sống chắc hẳn là khó khăn về kinh tế, thậm chí tăng trưởng thấp, nhưng miễn sao an lành, mọi người còn nhìn thấy nhau mỗi ngày. Cũng như cả nước, người TPHCM mình thêm một lần nữa lại nắm chặt tay nhau để vượt qua thách thức, như đã từng làm trước đây.

Tin cùng chuyên mục