Cho vay theo chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động không phụ thuộc vào room tín dụng

Phản hồi ý kiến đại biểu đề nghị nới room tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, cho vay theo chương trình này không phụ thuộc vào room tín dụng nhưng việc triển khai chưa được như kỳ vọng.

Phiên thảo luận chuyên đề về “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương…

Thảo luận về thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng tình hình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 còn hạn chế: nguồn vốn chưa đi vào cuộc sống; nhiều dự án đầu tư thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa được phân bổ vốn; việc thực hiện điều hòa nguồn vốn giữa các dự án còn chậm.

PGS-TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội ghi nhận, tính đến tháng 8-2022, Chính phủ, các bộ, cơ quan đã chủ động, nỗ lực xây dựng và ban hành 15/17 văn bản cụ thể hóa các chính sách tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm xu hướng phục hồi tích cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chính sách đều có hiệu quả và tác động nhanh chóng đến doanh nghiệp. Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, tính đến ngày 2-9-2022, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc chương trình sơ bộ đạt 55.500 tỷ đồng, chỉ bằng 16% tổng gói hỗ trợ (350.000 tỷ đồng).

Theo ông Nguyễn Trúc Lê, có nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ. “Doanh nghiệp lớn dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ qua văn bản chính thức, còn doanh nghiệp nhỏ tiếp cận thông tin qua kênh phi chính thức. Đối tượng thụ hưởng khó đáp ứng yêu cầu thủ tục hành chính; thời hạn thực hiện các gói hỗ trợ ngắn, chỉ 3-6 tháng. Đối tượng hỗ trợ tập trung vào một số ngành nghề, trong khi nhiều ngành nghề đang thực sự khó khăn vẫn chưa được hỗ trợ kịp thời, trong đó có doanh nghiệp du lịch”, ông Nguyễn Trúc Lê nêu rõ.

Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn chưa kịp thời. Chẳng hạn, đối với chính sách gia hạn tiền thuê đất, dự kiến tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn trên 3.000 tỷ đồng. Song 8 tháng đã qua vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể…

Để thúc đẩy tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ, các cơ quan quản lý cần tiếp tục lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp; có hệ thống giám sát, đánh giá kịp thời, có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, cần rà soát các tiêu chí, chỉnh sửa cho phù hợp; bổ sung tiêu chí mới khi nền kinh tế thế giới đối mặt nhiều thách thức. Việc hỗ trợ cần có mục tiêu, như ưu tiên với các ngành trong lĩnh vực tạo bệ đỡ cho nền kinh tế như nghiệp logistics, công nghiệp hỗ trợ…

“Về dài hạn, nên điều chỉnh giảm chính sách giảm thuế, tăng chính sách gia hạn thuế. Các chính sách phải xây dựng trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu, không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà. Chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng, lộ trình cụ thể”, PGS-TS Nguyễn Trúc Lê đề xuất.

Về một số chính sách hỗ trợ cụ thể, theo vị chuyên gia này, cần tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, xem xét giảm thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt. Với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, hiện nhiều doanh nghiệp không mặn mà vì phải đáp ứng nhiều điều kiện, thủ tục, lo ngại trách nhiệm thanh tra. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp chưa có tài sản bảo đảm; các hợp tác xã chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh đang là rào cản để được tiếp cận gói hỗ trợ.

“Các ngân hàng thương mại đã được nới room tín dụng song vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Chúng tôi hiểu rằng điều này vì mục tiêu kiềm chế lạm phát 4%, song trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên xem xét điều chỉnh room tín dụng”, ông Nguyễn Trúc Lê nói.
Cho vay theo chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động không phụ thuộc vào room tín dụng ảnh 1 PGS-TS Nguyễn Trúc Lê phát biểu tại diễn đàn
Phản hồi các ý kiến tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, sau 3 tháng triển khai Nghị định 31 về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước (40.000 tỷ đồng trong năm 2022 và 2023), doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.100 tỷ đồng với gần 550 khách hàng. Số tiền lãi đã hỗ trợ đạt chỉ 1 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất là 3.966 tỷ đồng. Thừa nhận những kết quả trên là “còn khiêm tốn”, Phó Thống đốc NHNN cho biết thêm, dù Nghị định 31 ban hành tháng 5 nhưng dư nợ tính từ tháng 1-2022 nên theo đánh giá nhanh của NHNN, tổng dư nợ của chương trình có thể đạt 800.000 tỷ đồng.

Theo Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, cho vay theo chương trình này không phụ thuộc vào room tín dụng nhưng việc triển khai chưa được như kỳ vọng do một số khó khăn. Lãnh đạo NHNN cam kết sẽ triển khai tổ công tác liên ngành khảo sát thực tế địa phương để giải đáp thắc mắc; tiếp tục tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp - ngân hàng; đồng thời phối hợp với các bộ ngành để chỉnh sửa chính sách, thủ tục cần tháo gỡ khó khăn để khách hàng vay được vốn và gói hỗ trợ này được triển khai nhanh hơn.

Tin cùng chuyên mục