Sáng 6-8, Bệnh viện Hùng Vương khánh thành Ngân hàng sữa mẹ với quy mô đầu tư gần 6 tỷ đồng, có thể thanh trùng 62 lít sữa mỗi ngày. Đây là Ngân hàng sữa mẹ thứ 2 tại khu vực miền Nam và là 1 trong 4 Ngân hàng sữa mẹ đang hoạt động tại Việt Nam.
Đến dự có các đồng chí: PGS-TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Trần Phượng Trân, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM.
Từ Trung tâm HOPE đến Ngân hàng sữa mẹ
Chia sẻ về việc thành lập Ngân hàng sữa mẹ, PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, khi đại dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn TPHCM, lúc đó mỗi ngày có đến hơn 200 thai phụ trở thành F0 và số trẻ sơ sinh được sinh ra từ thai phụ mắc Covid-19 cũng gia tăng, các bé thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác khi không được “da kề da” với mẹ.
Lúc này, bệnh viện thật sự quá tải khi mỗi ngày có hơn 200 trẻ được sinh ra trong khi năng lực chăm sóc tại đây chỉ là hơn 100 trẻ. Vì vậy, bệnh viện thành lập Trung tâm HOPE để tạm thời nuôi dưỡng trẻ trong khi chờ các bà mẹ âm tính với SARS-CoV-2.
“Tuy có nhiều chị em phụ nữ tình nguyện làm mẹ, chăm sóc các bé rất kỹ lưỡng nhưng các bé vẫn chịu thiệt thòi khi không có nguồn sữa mẹ. Được sự ủng hộ, hỗ trợ từ Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đã se duyên cho bệnh viện với Công ty Vạn Thịnh Phát thành lập kế hoạch Ngân hàng sữa mẹ”, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Hoàng Thị Diễm Tuyết cho hay.
Đây là Ngân hàng sữa mẹ thứ 4 của Việt Nam và lớn nhất Việt Nam với công suất có thể thanh trùng 62 lít sữa một ngày, diện tích hơn 300 m2, đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Ngân hàng có thể cung cấp được sữa mẹ cho tất cả trẻ sơ sinh non tháng, bệnh lý, trẻ có mẹ bị bệnh nặng không thể thực hiện được nuôi con bằng sữa mẹ.
Điểm nhấn quan trọng trong công tác giảm tử vong sơ sinh
Chia sẻ tại lễ khai trương, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, bà chứng kiến rất nhiều trẻ sơ sinh không được bú mẹ, không được gần gia đình, phải dựa vào sự chăm sóc của đội ngũ y bác sĩ và các tình nguyện viên. Điều này đã thôi thúc bà tìm kiếm các nguồn hỗ trợ để thành lập nên ngân hàng sữa mẹ cho trẻ sơ sinh.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ, với mong muốn bù đắp cho các con sinh ra trong đại dịch và tiếp tục đồng hành với các trẻ sơ sinh non tháng, bệnh tật tại Bệnh viện Hùng Vương cũng như các bệnh viện Nhi trên địa bàn thành phố và trong cả khu vực phía Nam, góp phần giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tật ở trẻ sơ sinh, Ngân hàng sữa mẹ đã ra đời. Nơi đây sẽ góp phần tích cực hơn nữa trong công tác tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ; đồng thời là điểm nhấn quan trọng trong công tác giảm tử vong sơ sinh, nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.
“Được làm mẹ là một điều hạnh phúc, vinh dự và các bà mẹ có quyền cho sữa để nuôi các trẻ em khác. Mẹ có thể sinh ra một em bé nhưng mẹ có thể làm mẹ của rất nhiều em bé khác. Xin được tôn vinh những bà mẹ đã hiến tặng sữa và nhân viên Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Hùng Vương và toàn quốc. Chính các bạn – những con người thầm lặng, đang hàng ngày làm nên những điều kỳ diệu”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ bày tỏ.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay tỷ lệ tử vong sơ sinh ở Việt Nam vẫn còn cao. Các nghiên cứu cho thấy, trong số những giải pháp nhằm giảm tử vong cho trẻ nhỏ, sữa mẹ là giải pháp quan trọng nhất và có tiềm năng to lớn tác động đến sự sống còn của trẻ. Sữa mẹ là lựa chọn tự nhiên và phù hợp nhất với trẻ; đặc biệt trẻ non tháng, trẻ bệnh lý, sữa mẹ không chỉ giúp trẻ lớn nhanh và phát triển toàn diện mà còn tăng cường hệ miễn dịch, nhất là trong giai đoạn hệ thống miễn dịch trẻ chưa hoàn thiện, các kháng thể thụ động từ mẹ truyền sang con trong sữa mẹ sẽ giúp trẻ chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng xung quanh môi trường sống. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận không phải người mẹ nào cũng có thể cho con bú, các nguyên nhân thường gặp là do mẹ bị bệnh hoặc đang dùng thuốc điều trị ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ. Đặc biệt, đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao, bao gồm trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, trẻ bệnh lý hoặc trẻ mồ côi, trẻ mắc Covid-19, sữa mẹ sẽ giúp mang lại nguồn dinh dưỡng sẵn có với khả năng cứu sống tốt nhất, là một liều thuốc đặc biệt giúp tăng cường khả năng sống sót cho nhóm trẻ sơ sinh bệnh nặng, chưa thể bú sữa mẹ đẻ đang điều trị tại bệnh viện. “Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương ra đời trong bối cảnh diễn ra Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ (1-8) có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy phong trào nuôi con bằng sữa mẹ tại Việt Nam. Bệnh viện Hùng Vương cần tiếp tục hoàn thiện quy trình từ tiếp nhận, xử lý, lưu trữ, phân phối sữa mẹ nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ. Đồng thời, tạo điều kiện để việc cho – nhận sữa được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu. |