Chủ tịch Quốc hội muốn ngay trong năm 2021, di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùi lấp do thiên tai

Sáng 2-11, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường về đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Chính phủ trình Quốc hội chuyển mục đích sử dụng hơn 400ha rừng phòng hộ

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, Dự án hồ chứa nước sông Than được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt lần đầu tại Quyết định số 971/QĐ-UBND năm 2010 với tổng mức đầu tư 716,587 tỷ đồng; diện tích sử dụng đất 801,15ha nhưng dự án phải tạm dừng do khó khăn về nguồn vốn.

Năm 2016, do tình hình hạn hán xảy ra nghiêm trọng, nhu cầu cấp bách của việc chống hạn, dự án được đưa vào bố trí kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020. Năm 2017, tỉnh Ninh Thuận phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư 855 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là để cấp nước tưới cho 4.500ha đất canh tác; cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20.000 hộ dân vùng hạ lưu, cấp 24 triệu m3/năm cho các ngành kinh tế khác; cấp nước bổ sung cho các hồ chứa nước Lanh Ra, Tà Ranh và Bầu Zôn, cắt giảm lũ cho khu vực hạ du và tình trạng ngập úng.

Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 7-2018 đến nay đã triển khai xây dựng được khoảng 35% khối lượng công việc. Dự án có phát sinh tiêu chí quan trọng quốc gia do có sử dụng 100,63ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 100,63ha rừng phòng hộ để thực hiện dự án là đúng quy định; vị trí rừng phải chuyển đổi của dự án là bắt buộc để bảo đảm hiệu quả đầu tư công trình.

Chủ tịch Quốc hội muốn ngay trong năm 2021, di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùi lấp do thiên tai ảnh 1 Quốc hội mặc niệm đồng bào tử nạn, chiến sĩ hi sinh do bão lũ. Ảnh: QUANG PHÚC

Về trồng rừng thay thế, đến nay, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo việc trồng rừng thay thế với diện tích 595ha. UBND tỉnh Ninh Thuận cam kết sau khi được Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, sẽ phê duyệt kinh phí trồng rừng thay thế bổ sung theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Do đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 431,76ha rừng (gồm rừng phòng hộ 100,63ha; rừng sản xuất 309,48ha; diện tích đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng 21,65ha) để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận.

Về Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tại văn bản số 154/TTg-NN từ năm 2006; Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án đầu tư năm 2009 và được khởi công năm 2010 nhưng đến năm 2011, dự án tạm dừng do Chỉ thị số 1792/CT-TTg. Năm 2017, dự án được bố trí vốn trở lại trong trung hạn 2016-2020 để tiếp tục thực hiện và được Chính phủ cho phép phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Mục tiêu của dự án là cấp nước cho sản xuất nông nghiệp (tưới 18.871ha), cấp nước cho công nghiệp, dân sinh; bổ sung nước về mùa kiệt cho sông Cả với lưu lượng 22 m3/s và cho 2 hệ thống thủy lợi lớn ở hạ du là Nam và Bắc Nghệ An; kết hợp phát điện (45 MW); tích nước phòng lũ, giảm lũ cho hạ du sông Hiếu; phục vụ phát triển công nghiệp, du lịch.

Đến nay, dự án đã triển khai xây dựng được khoảng 90% khối lượng công việc; lũy kế giải ngân đến nay đạt 83% và dự kiến đến cuối năm 2020 cơ bản hoàn thành giai đoạn I.

Dự án này có phát sinh tiêu chí quan trọng quốc gia do có sử dụng 312,95ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Thanh Hóa diện tích rừng tự nhiên phải chuyển đổi là 662,55ha đều thuộc loại rừng nghèo, nghèo kiệt; vị trí rừng tự nhiên phải chuyển đổi của dự án là bắt buộc để bảo đảm hiệu quả đầu tư công trình. Về trồng rừng thay thế để thực hiện dự án, các tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa là các tỉnh có diện tích rừng lớn, nếu được phép chuyển đổi diện tích rừng để thực hiện dự án thì độ che phủ rừng của Thanh Hóa có giảm 0,05%, Nghệ An có giảm 0,03% nhưng vẫn ở mức cao so với toàn quốc (Thanh Hóa là 53,35%, Nghệ An là 57,7%). Vì vậy, trong hồ sơ dự án, các tỉnh đều xây dựng phương án trồng rừng thay thế. Do đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 1.131,22ha đất rừng trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An (544,77ha) và Thanh Hóa (586,45ha) để thực hiện Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Lo thủy điện nhỏ gây thêm hậu quả thiên tai

Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế -xã hội sáng 2-11, vấn đề bão lũ miền Trung  được nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, khi thảo luận mà không gắn với nội dung khắc phục hậu quả và phòng chống thiên tai là chưa đầy đủ. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu bàn các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai ở các tỉnh miền Trung. “Từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 tới giờ, miền Trung phải oằn mình trong thiên tai, bão lũ. Nhiều nơi bà con bây giờ khổ lắm, nhà không có, không có gì ăn, mì tôm mà cho cũng không có nước nấu phải ăn sống”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Trước tình hình thiên tai ở miền Trung, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp ngành trước mắt cần tiếp tục hỗ trợ lương thực, thuốc men cho nhân dân. Đảm bảo sau khi nước rút dịch bệnh không bị bùng phát, nhân dân sớm vượt qua những khó khăn. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng vẫn phải tiếp tục tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp, ngư dân mất tích ngoài biển…

Chủ tịch Quốc hội muốn ngay trong năm 2021, di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùi lấp do thiên tai ảnh 2 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu sáng 2-11. Ảnh: QUANG PHÚC
Theo Chủ tịch Quốc hội, phải lồng ghép nội dung khắc phục phòng ngừa thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển cho cả nhiệm kỳ tới. Đây là trách nhiệm rất nặng nề mà Chính phủ phải chỉ đạo các cơ quan, trong đó có Bộ NN-PTNT tham mưu xây dựng kế hoạch. Trong đó có việc phải chủ động di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùi lấp do thiên tai, không để thời gian tới vẫn có những vụ vùi lấp như vừa qua. “Tôi đề nghị Quốc hội phải bàn về việc này để chúng ta thông qua Nghị quyết để Chính phủ chủ động ngay trong năm 2021 di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùi lấp do thiên tai và hàng năm ngân sách Trung ương, địa phương phải chú ý vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng nói, nạn phá rừng rất nghiêm trọng, tác động nặng nề đến môi trường mà bão lũ miền Trung vừa qua là minh chứng rất rõ. “Vừa qua, Quốc hội, Chính phủ cho dừng gần 500 thủy điện cóc (dạng dự án thủy điện có công suất nhỏ) là rất sáng suốt, vì thủy điện cóc gây thiệt hại không hề nhỏ. “Thậm chí có nhiều ý kiến lo lắng doanh nghiệp làm thủy điện nhỏ chủ yếu là để lấy cây, không trồng bù rừng. Quy định về duyệt thủy điện cóc cần tính lại, quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ rừng, tránh nguy cơ sạt lở”, ĐB Phạm Văn Hòa nêu.

ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, các cơ quan chức năng phải thống kê, đánh giá lại toàn bộ hệ thống thủy điện, hồ đập. Bởi theo đại biểu, các thủy điện thời gian qua đã đóng góp ngân sách thế nào thì chưa biết, nhưng hệ lụy của họ mang lại thì đã thấy rõ. Cụ thể về mùa khô thủy điện giữ nước lại, dẫn đến việc dân không có nước sản xuất; còn về mùa mưa, sợ vỡ đập, thủy điện xả nước khiến dân dưới hạ nguồn lãnh đủ.

Tin cùng chuyên mục