Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh: Giảm biên chế cơ học là chưa phù hợp

"Các chủ trương của Trung ương thì đã rất rõ, nhưng khi các cơ chế chính sách chưa được ban hành kịp thời mà vẫn giảm biên chế cơ học là chưa phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh

Sáng 12-1, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành nội vụ. Dự và chỉ đạo hội nghị, có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; cùng dự, có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới 63 điểm cầu trong cả nước. 

Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh thống nhất với báo cáo Bộ Nội vụ và trao đổi, chia sẻ những đổi mới hệ thống tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP Hà Nội.

Theo ông Chu Ngọc Anh, Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 19- NQ/TƯ Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã mở ra nhiều thuận lợi cho các địa phương triển khai, trong đó có Hà Nội.

Đối với sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập tại Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh thông tin, đến nay Hà Nội đã sắp xếp giảm 280/2.780 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015; giảm 280 cấp trưởng, 560 cấp phó; giảm 840 người làm việc tại các vị trí việc làm dùng chung và vị trí việc làm chuyên môn cần tinh gọn; nhiều trụ sở sau sắp xếp được thu hồi và có phương án sử dụng hiệu quả hơn.

Thực hiện chỉ tiêu tinh giản, theo đó yêu cầu Hà Nội giảm hơn 12.800 biên chế giai đoạn 2016-2021. Ông Chu Ngọc Anh cho rằng, việc mỗi năm giảm hơn 3.600 biên chế/năm là một áp lực lớn với Thủ đô, tuy nhiên nhiều bằng nhiều giải pháp, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu.

Đến nay, Hà Nội đã chuyển 199 đơn vị sự nghiệp sang tự chủ, giảm gần 20.000 biên chế hưởng lương ngân sách. Để thực hiện được, ông Chu Ngọc Anh cho rằng, Hà Nội ban hành kế hoạch nâng mức tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2021.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh: Giảm biên chế cơ học là chưa phù hợp ảnh 1 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: ĐỖ TRUNG

“Đã có nguyên tắc xác định rõ ràng; thủ trưởng đơn vị nào không hoàn thành hoặc cố tình trì hoãn để được hưởng cả 2 nguồn tài chính sẽ xem xét trách nhiệm hoặc thay thế, những đơn vị không hiệu quả kiên quyết sáp nhập để nâng cao quy mô, hiệu quả”, ông Chu Ngọc Anh thông tin.

Qua hội nghị, ông Chu Ngọc Anh kiến nghị sớm có giải pháp giải quyết căn bản về biên chế viên chức giáo dục và ký hợp đồng vị trí việc làm viên chức giáo viên.

Cụ thể, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Hà Nội có quy mô đơn vị sự nghiệp lĩnh vực giáo dục lớn, hiện có hơn 2.200 đơn vị sự nghiệp giáo dục/2.483 đơn vị sự nghiệp với gần 100.0000 biên chế. Tuy nhiên, biên chế viên chức giáo viên theo định mức còn thiếu hơn 7.100 chưa được bổ sung.

Theo ông Chu Ngọc Anh, nhu cầu tăng trường, tăng lớp, tăng biên chế do dân số và học sinh vẫn tăng theo tốc độ đô thị hóa; tự chủ lĩnh vực giáo dục khó khăn; đã và đang đặt ra bài toán hết sức khó khăn với Thủ đô trước yêu cầu đảm bảo đồng thời tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng giáo dục.

“Hà Nội đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT sớm có giải pháp giải quyết kịp thời đối với các tồn tại lĩnh vực giáo dục, xác định rõ lại tỷ lệ định mức biên chế, chương trình học theo định mức mới, quan điểm về tự chủ đối với cơ sở giáo dục các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở để các địa phương có cơ sở thực hiện. Các chủ trương của Trung ương thì đã rất rõ, nhưng khi các cơ chế chính sách chưa được ban hành kịp thời mà vẫn giảm biên chế cơ học là chưa phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động”, ông Chu Ngọc Anh đề nghị.

TP Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT xem xét, điều chỉnh Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 3-7-2020 về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng, cho phép các quận, huyện, thị xã tự cân đối ngân sách chi trả cho hợp đồng lao động. 

Cụ thể, trong thời gian chưa có văn bản điều chỉnh, cho phép TP Hà Nội được tạm ký hợp đồng lao động đối với số giáo viên còn thiếu tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập có mức tự đảm bảo chi thường xuyên dưới 10%, nguồn kinh phí từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục của UBND quận, huyện, thị xã.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39 ngày 7-4-2015. Tính đến hết năm 2021, biên chế công chức giảm 10%; biên chế sự nghiệp giảm hơn 11%; cán bộ, công chức cấp xã giảm hơn 8%; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giảm gần 50% so với 2015.
Bộ Nội vụ cho biết, từ nhu cầu thực tế giáo viên, đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học, Bộ Nội vụ đã kịp thời đề xuất để bổ sung hơn 27.000 biên chế giáo viên cho các địa phương. 

Năm 2021 cũng ghi nhận kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và tương đương. Theo đó, đã giảm 7 tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; giảm hơn 1.600 tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn cấp sở; giảm hơn 450 phòng thuộc cơ quan chuyên môn cấp huyện.

Năm 2021, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sắp xếp, thành lập, nhập, chia, điều chỉnh một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và đã giảm được 4 đơn vị hành chính cấp xã tại TP Huế. Giai đoạn 2019-2021, đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện (từ 713 xuống còn 705 huyện) và 561 đơn vị hành chính cấp xã (từ 11.160 xuống còn 10.599 xã)...

Tin cùng chuyên mục