Ngày 22-10, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì buổi triển khai nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội thành phố quý IV- năm 2019.
Xin giảm chi vì giải ngân không đạtGiám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên cho hay, trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu (điện tử - công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo; hóa chất - cao su - nhựa; chế biến tinh lương thực thực phẩm) ở TPHCM, ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm có tăng nhưng chậm. Dự báo 3 tháng cuối năm 2019, tình hình sản xuất sẽ tăng trưởng khá do các doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa cho Tết Nguyên đán, nhưng cũng rất khó đạt được mức tăng như năm 2018.
Đánh giá chung, đồng chí Nguyễn Thành Phong thông tin, trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của thành phố chỉ đạt 7,8%. Như vậy, để đến cuối năm chỉ đạt mức tăng trưởng 8,3% - 8,5% như kế hoạch thì trong 3 tháng còn lại phải đạt mức tăng trưởng hơn 9%. “Cần sự nỗ lực ghê gớm lắm mới đạt được tốc độ tăng trưởng như kế hoạch”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhận xét.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tăng trưởng chậm được các đại biểu đề cập là tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư công thực hiện rất chậm. Là địa phương “đội sổ” về tỷ lệ giải ngân, một lãnh đạo UBND quận Phú Nhuận phân trần tỷ lệ giải ngân thấp là do vướng thủ tục. Chẳng hạn, trụ sở cảnh sát PCCC, trụ sở công an quận đã được thi công hoàn thành đưa vào khai thác nhưng thủ tục thanh quyết toán hiện nay vẫn chưa xong.
Phân tích thêm nguyên nhân giải ngân chậm, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy nhấn mạnh: “Nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân chậm là vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng”. Cụ thể, trên địa bàn quận, tất cả hồ sơ liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng đều gặp bế tắc. UBND quận đã có nhiều văn bản đề nghị các sở ngành, UBND TP tháo gỡ nhưng chưa nhận được trả lời. Do đó, UBND quận 9 đề nghị UBND TP tổ chức hội nghị chuyên đề tháo gỡ vướng mắc này.
Tại quận 2, tỷ lệ giải ngân hiện nay của quận mới đạt 40% so với kế hoạch trong tổng số vốn gần 310 tỷ đồng. Quận cam kết sẽ đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% kèm theo đề xuất điều chỉnh giảm vốn.
Tại huyện Nhà Bè, năm 2019, huyện được giao 700 tỷ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục, huyện khó có thể đảm bảo tỷ lệ giải ngân đạt được 95% vào cuối năm.
Trước vướng mắc này, UBND TPHCM đã nhiều lần kiến nghị Bộ TN-MT, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cho phép TPHCM thực hiện quy trình rút gọn trong 90 ngày. Sau nhiều lần làm việc trực tiếp với các cơ quan Trung ương, Chính phủ đã đồng tình với đề xuất này và sẽ ban hành nghị quyết cho TPHCM thực hiện thí điểm.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các quận huyện đánh giá cụ thể việc giao vốn thực hiện các dự án trên địa bàn có sát thực tế hay không?
Cùng với đó là việc phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến tỷ lệ giải ngân chậm để báo cáo với UBND TPHCM. Nếu không, UBND TP sẽ căn cứ vào tỷ lệ giải ngân đạt được trong năm nay và giảm bố trí vốn trong năm sau; đồng thời đánh giá Chủ tịch UBND quận huyện không hoàn thành nhiệm vụ, bởi tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu liên quan đến khả năng quản lý của lãnh đạo đơn vị.
Với 26 dự án còn vướng mắc, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo Sở TN-MT TPHCM phối hợp với các sở ngành rà lại các vướng mắc và tháo gỡ kịp thời, không để tình trạng đình trệ các dự án. Các quận huyện cũng chủ động rà lại các vướng mắc.
Thậm chí, TP sẽ làm việc với từng quận, huyện để giải quyết, bởi không khéo - dự án cứ chậm trễ - có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của TP.
“Khi làm dự án, các doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng, hàng ngày phải chịu với lãi suất lớn. Nên TP tháo gỡ vướng mắc cho dự án là vì doanh nghiệp, cũng là vì sự phát triển của TP”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Vẫn nóng vi phạm xây dựng
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình thông tin về một số giải pháp tháo gỡ thủ tục để thúc đẩy thị trường bất động sản. Liên quan đến trật tự xây dựng, theo Giám đốc Sở Xây dựng, sau khi toàn thành phố tập trung triển khai Chỉ thị 23-CT/TU và kế hoạch của UBND TP thì vi phạm xây dựng trên địa bàn thành phố đã được kéo giảm.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm có giảm nhưng vẫn còn một số vụ việc phức tạp. Sắp tới, Sở Xây dựng sẽ tập trung một số giải pháp, như ký kết kế hoạch liên tịch với các địa phương và đưa các Đội Thanh tra xây dựng địa bàn tiếp cận với phương án chuyển lực lượng này về các địa phương.
“Nếu vướng mắc này không được tháo gỡ, tình trạng xây dựng không phép vẫn tiếp tục diễn ra”, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy lo ngại và cho biết, UBND quận chủ động phối hợp với Sở TN-MT, Sở QH-KT nhưng vẫn không tháo gỡ được các vướng mắc. Vì vậy, lãnh đạo quận 9 kiến nghị UBND TP có các hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc để giảm bức xúc của người dân.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng phân tích sự xung đột giữa Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… Trong khi đó, theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, có tình trạng cơ quan chức năng quá thận trọng, quá sợ, dẫn tới một sự trì trệ ở TP.
Về trật tự xây dựng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh yêu cầu xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Do đó, khi phát hiện các trường hợp vi phạm xây dựng, UBND TP đều chỉ đạo xử lý nghiêm.
Chẳng hạn, liên quan đến vi phạm xây dựng tại huyện Bình Chánh, sau khi có kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, UBND TPHCM đã chỉ đạo xử lý tiếp.
“Thành ủy đã có chỉ đạo, chúng ta đã có cuộc họp triển khai nhưng sai phạm vẫn diễn ra”, đồng chí Nguyễn Thành Phong bày tỏ sự không hài lòng và yêu cầu cần phải xử lý nghiêm khắc để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật.
Trong phối hợp công tác, đồng chí Nguyễn Thành Phong dẫn chứng một ví dụ, chỉ kết luận cuộc họp chưa đầy 1 trang A4, nhưng mất từ 7 ngày đến 10 ngày, Văn phòng UBND TPHCM mới trình Chủ tịch UBND TPHCM duyệt. Lý do của sự chậm trễ được giải thích là “theo quy trình”.
“Quy trình gì ở đây? Riêng chuyện nhỏ này mà mất gần 10 ngày. Sở nói trình rồi, nhưng tới Văn phòng UBND TPHCM thì chưa thấy trả lời. Nên cải cách hành chính, trước hết cần củng cố ngay từ Văn phòng UBND TPHCM”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu.
Phân tích tình trạng các dự án đầu tư nhỏ lẻ, quy mô không quá 1 triệu USD/dự án và đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản, ít dự án đầu tư cho sản xuất, chế biến, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành, quận huyện phải luôn lưu ý tạo điều kiện cho môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh được thuận lợi.
Để phát triển TPHCM một cách bền vững, Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, những năm vừa qua, tỷ lệ ngân sách TPHCM được giữ lại đã tụt từ 33% xuống hiện còn 18%/năm. Tuy nhiên, cơ sở nào để tính ra tỷ lệ 18%, chưa ai giải thích được.
Nhìn lại tất cả các thành phố lớn trong cả nước, nơi có tỷ lệ phân chia ngân sách thấp nhất cũng đến 30%. Trong khi, TPHCM chỉ 18%. Vì vậy, TPHCM đang xây dựng đề án cụ thể, có cơ sở khoa học, dẫn chứng đầy đủ để báo cáo với Trung ương, từ đó kiến nghị tỷ lệ phân chia ngân sách hợp lý, vừa đóng góp cho cả nước và tạo điều kiện cho TPHCM phát triển.
Dạy tiếng Anh cho Trưởng phòng, Phó Chủ tịch quận huyệnĐánh giá ngoại ngữ là công cụ hết sức quan trọng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ sự không hài lòng khi một số Giám đốc Sở sinh năm 1976, 1977 ra nước ngoài công tác mà vẫn phải cần phiên dịch viên. Trong tương lai gần, TPHCM không thể chấp nhận được tình trạng này. Đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở GD-ĐT TPHCM làm ngay đề án bắt đầu từ năm 2020, dạy tiếng Anh cho lãnh đạo các sở ngành, quận huyện; trước mắt, đối tượng từ cấp Trưởng phòng ở các sở, ngành và Phó Chủ tịch UBND quận, huyện trở lên. “TPHCM hướng tới trở thành trung tâm kinh tế lớn của khu vực, đang xây dựng đô thị thông minh mà Giám đốc Sở ở độ tuổi trẻ lại phải cần phiên dịch thì rất kỳ. Thành thạo tiếng Anh là việc đầu tiên phải làm. Nếu các đồng chí tự bồi dưỡng, trau dồi tiếng Anh được tốt thì tốt, còn không thì dành sự ưu tiên, cơ hội cho các em ở phía sau”, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh. Thời gian chuyển đổi đất lúa từ 2 năm còn 6 thángTrong thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, ở lĩnh vực TN-MT, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, đến nay đã có 32 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên. Trước đây, để thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa trên 10ha, phải trình ra Trung ương, mất gần 2 năm; giờ đây, việc này được giao cho HĐND TPHCM nên thời gian còn 6 tháng. Cũng trong thực hiện Nghị quyết 54, Sở TN-MT đang tổ chức thu đúng, thu đủ phí bảo vệ môi trường đối với những doanh nghiệp có phát sinh nước thải công nghiệp. Trước đây, thu phí theo mức cũ, bình quân mỗi năm TPHCM thu khoảng 9 tỷ đồng; hiện nay, việc thu phí theo lưu lượng xả thải, tính đến quý 3 - 2019, TP đã thu được trên 40 tỷ đồng (dự kiến quý 4-2019 thu thêm 15 tỷ đồng). Giám đốc Sở TN-MT TPHCM nhận xét, số tiền phí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xả nước thải công nghiệp gia tăng. Tuy nhiên, mục tiêu của TP không hẳn là tiền mà TP hướng tới mục đích cao hơn là kiểm soát nước thải, khuyến khích doanh nghiệp tái sử dụng nước thải. |