Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Kéo giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường

Sáng 6-1, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM…

Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa

 Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 dù có nhiều khó khăn nhưng vẫn phát triển tích cực. Điểm nhấn là việc triển khai có hiệu quả Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy (về cuộc vận động Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước), Chỉ thị 23-CT/TU của Thành ủy (về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố) cùng 19 nội dung giám sát liên quan phát triển kinh tế - xã hội.

Hầu hết, các ngành đều tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng (tăng hơn 8,3% so với năm 2018), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng hơn 12,3%...

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Kéo giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, sáng 6-1-2020. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong lưu ý, năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. TPHCM xác định chủ đề là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Do đó, TPHCM quyết tâm triển khai các nhiệm vụ đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và chăm lo đời sống nhân dân.

Trong phát triển kinh tế, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả; bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng.

Thành phố cũng tập trung cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; xây dựng chính quyền điện tử; tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội, đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh gắn với Khu đô thị sáng tạo phía Đông.

Cùng với đó là việc tăng cường xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, kiềm chế và giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo phúc lợi xã hội, tiếp tục cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử…

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Kéo giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ảnh 2 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tại Hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Giảm mệnh lệnh, chuyển sang phục vụ nhân dân 

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cũng nhận xét, năm qua, thành phố đã đạt nhiều kết quả mang tính toàn diện, quan trọng. Tuy vậy, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chịu tác động của nhiều yếu tố mang tính rủi ro và bất ổn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng thấp so với cùng kỳ. Hoạt động vận tải hành khách công cộng chưa đạt kế hoạch, số khách đi xe buýt giảm so với cùng kỳ. Ngoài ra, môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn tồn tại những hạn chế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Cùng với đó, tình hình xây dựng không phép, sai phép vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Công tác xử phạt các hành vi xả rác thải ra đường, kênh rạch còn ít, chưa thể hiện tính răn đe.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Kéo giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ảnh 3 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đề cập đến các nhiệm vụ của năm 2020, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ tập trung, đặc biệt là các nhiệm vụ đảm bảo tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,3 - 8,5%. Đặc biệt, đồng chí nhấn mạnh đến yêu cầu xây dựng hình mẫu con người TPHCM yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong hiện tại và tương lai.

Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2019, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nêu một số tồn tại, hạn chế như chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, thậm chí có nơi còn yếu, nhất là năng lực tham mưu giải quyết vấn đề, dẫn đến sai sót trong dự thảo. Một số cán bộ, công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm và có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc cứng nhắc, thiếu năng động, sáng tạo, gây chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Nêu tóm tắt mục tiêu năm 2020, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành sẽ được tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đặc biệt, UBND TPHCM nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành bằng việc chú trọng trong tổ chức thực hiện để chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.

“Gắn việc chỉ đạo, triển khai với công tác đôn đốc, kiểm tra, xử lý nghiêm việc chậm trễ thực hiện các nhiệm vụ công việc”, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Cùng với đó là việc nâng cao vai trò của các Ủy viên UBND TP và xem xét, đánh giá trách nhiệm cá nhân đối với tập thể, trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Kéo giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ảnh 4 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng yêu cầu các sở ngành, cơ quan, địa phương rà soát bổ sung các quy chế, quy định cụ thể theo hướng thể hiện quyết tâm đổi mới phương thức làm việc theo tinh thần phục vụ, giảm dần các biện pháp mệnh lệnh hành chính. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm trong công tác quản lý nhà nước, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Người đứng đầu các cơ quan, địa phương phải kiểm điểm trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để cán bộ, công chức vi phạm nghiêm trọng kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Mở rộng đường vào sân bay Tân Sơn Nhất

Đề cập đến nhiệm vụ của ngành, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm khẳng định, trong năm 2020, mục tiêu lớn của ngành giao thông vận tải thành phố là hoàn thành một số dự án trọng điểm như cầu Thủ Thiêm 2, một số hạng mục nút giao bến xe miền Đông (để đồng bộ với việc di dời bến xe miền Đông), cải tạo mặt đường Tỉnh lộ 10B, hoàn thành hầm chui An Sương… Đồng thời phấn đấu khởi công dự án nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, một số dự án khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (đường Hoàng Hoa Thám, mở rộng đường Trường Chinh đoạn từ Cách Mạng Tháng Tám đến Phạm Văn Bạch), các dự án phục vụ cho khu vực cảng Cát Lái; đẩy nhanh thủ tục cho các dự án khép kín Vành đai 2, tiếp tục phối hợp triển khai các thủ tục tiếp theo đối với Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 -  Bến Lức.

Người đứng đầu ngành giao thông vận tải của thành phố cũng đề cập đến những khó khăn của hoạt động vận tải hành khách công cộng. Do đó, trong năm 2020, Sở GTVT TP sẽ lập đề án phát triển xe mini buýt kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh, kết nối với các tuyến vận tải khách khối lượng lớn, kết nối với các phương thức vận tải khác. Đồng thời triển khai hệ thống xe đạp công cộng hoặc xe mô tô điện kết nối, hỗ trợ cho mạng lưới xe buýt; mở rộng phố đi bộ…

Sở GTVT TP kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận cơ bản khung giải pháp của đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Công thương Phạm Thành Kiên, đề cập đến những giải pháp hỗ trợ, để TPHCM có được những tập đoàn mạnh.

Theo đó, Sở Công thương TP thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực (7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực) và 4 ngành công nghiệp trọng điểm trong năm 2020. TPHCM tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị - công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, TPHCM thu hút các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. 

Thực hiện định hướng phát triển công nghiệp trong thời gian tới, Sở Công thương TP sẽ tham mưu hình thành Hội đồng phát triển ở từng ngành, lĩnh vực để đến năm 2025 thành phố có được tập đoàn kinh tế mạnh.

* Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM LÊ NGỌC THÙY TRANG:

Xử lý nhà, đất do Trung ương quản lý tại TPHCM

Năm 2020, Trung ương giao TPHCM tổng thu ngân sách hơn 405.800 tỷ đồng (tăng 1,68%) so với dự toán năm 2019. Ngành tài chính đề xuất một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường các biện pháp để quản lý và bồi dưỡng nguồn thu ngân sách. Cùng với đó là việc đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; tăng cường rà soát, đôn đốc, thu nộp nợ thuế kịp thời. Đồng thời hoàn thiện các biện pháp thanh tra chống chuyển giá; rà soát, điều chỉnh các quy trình, thủ tục để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngành hải quan cũng cần phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành cải tiến thủ tục kiếm tra chuyên ngành nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa và giảm thời gian làm thủ tục hải quan, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Sở Tài chính phối hợp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; tập trung đôn đốc, đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Ngoài ra, để triển khai thành công Nghị quyết 54 của Quốc hội, ngành tài chính tập trung tham mưu xây dựng đề án tăng tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; tham mưu UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế phối hợp giữa TPHCM và các bộ ngành trong rà soát, sắp xếp lại và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước do Trung ương quản lý trên địa bàn TPHCM.

* Giám đốc Sở VH-TT TPHCM HUỲNH THANH NHÂN

Lập bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Sở VH-TT TP đưa ra nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2020 “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Cụ thể, trong hoạt động văn hóa cơ sở, gia đình, sở chú trọng nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa kết hợp với tổ chức thực hiện nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị; thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy.

TPHCM đẩy mạnh và phát triển văn hóa đọc; tăng cường hiệu quả hoạt động thư viện; ưu tiên phối hợp, hỗ trợ tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ các huyện ngoại thành. Đồng thời thực hiện các giải pháp xây dựng gia đình hạnh phúc, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; triển khai thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; đẩy mạnh việc xây dựng gia đình văn hóa; tổ chức tôn vinh gia đình hạnh phúc qua nhiều thế hệ cấp thành phố.

Cùng với đó là tăng cường các hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá của các di sản văn hóa của thành phố. Cụ thể là thực hiện các thủ tục đề xuất công nhận Địa đạo Củ Chi trở thành Di sản Văn hóa vật thể thế giới. Ngoài ra, trong năm 2020, TPHCM tập trung tổ chức thành công 18 chương trình lễ, hội, sự kiện tiêu biểu của thành phố; đồng thời TPHCM khởi công xây dựng mới Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.

* Giám đốc Sở TN-MT TPHCM NGUYỄN TOÀN THẮNG

Ngầm hóa các trạm trung chuyển rác

Qua 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy (về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”) đã có sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố. Kết quả thực hiện cuộc vận động là rất tích cực nhưng cũng còn nhiều mặt cần chấn chỉnh.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Kéo giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ảnh 5 Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại Hội nghị.Ảnh: VIỆT DŨNG
Do đó, để cuộc vận động hiệu quả hơn, tiến tới chấm dứt việc xả rác bừa bãi cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động tuyên truyền người dân không xả rác bừa bãi ra đường và kênh rạch. Bên cạnh việc giải quyết dứt điểm các điểm ô nhiễm về rác thải, không để phát sinh các điểm ô nhiễm mới; giải quyết triệt để các công trình lấn chiếm hệ thống kênh rạch, lấn chiếm cửa xả, hầm ga thoát nước thì phải tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm vệ sinh nơi công cộng.

Năm 2020, Sở TN-MT TP cũng tham mưu bổ sung các phương án hỗ trợ (vốn cho vay, lãi suất vay vốn) chuyển đổi phương tiện thu gom cho lực lượng thu gom rác dân lập. Đồng thời tổ chức dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn, đặc biệt như rác thải xây dựng, rác thải công nghiệp, vật dụng có kích thước lớn, cồng kềnh; xây dựng các trạm trung chuyển ép rác kín, tiên tiến hiện đại (tiến đến việc ngầm hóa các trạm trung chuyển).

21 chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2020

- GRDP đạt 8,3 - 8,5%.

- Tỷ trọng đóng góp của các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt từ 36% trở lên.

- Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm 35% GRDP

- Thu ngân sách đạt 100% dự toán (hơn 405.000 tỷ đồng)

- Thành lập mới 44.000 doanh nghiệp.

- Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,7% (khoảng 15.700 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,9% (khoảng 20.200 hộ) theo chuẩn chương trình giảm nghèo mới của thành phố.

- Tạo việc làm mới cho 135.000 người lao động.

- Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề đạt 85%.

- Tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,7%.

- Tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 8 triệu m2

- Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 20,06 m2/người.

- Số phòng học trên 10.000 dân trong tuổi đi học (từ 3 tuổi đến 18 tuổi) đạt 300 phòng học.

- Số bác sĩ trên 10.000 dân: 20 bác sĩ.

- Số giường bệnh trên 10.000 dân: 42 giường.

- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%.

- 100% cơ quan, đơn vị đăng ký thực hiện và đạt tiêu chí văn hóa nơi công sở.

- Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 100%; lượng khai thác nước dưới đất giảm 15,35% so với năm 2019.

- Tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tiêu chuẩn đạt 100%.

- Tỷ lệ xử lý nước thải công nghiệp đạt 100%.

- Nước thải bệnh viện được xử lý đạt quy chuẩn môi trường đạt 100%.

- Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trong nhóm 20 tỉnh, thành dẫn đầu; chỉ số cải cách hành chính (PAR-index) trong nhóm 5 tỉnh, thành có điểm cao nhất; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước.

Tin cùng chuyên mục