GIẢI THƯỞNG TÔN ĐỨC THẮNG LẦN THỨ XX NĂM 2020

Chưa phải là điểm dừng

Qua 20 năm tổ chức, giải thưởng Tôn Đức Thắng do Báo SGGP phối hợp Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức đã vinh danh hơn 200 công nhân, kỹ sư giàu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực.

 Ngần ấy năm, giải thưởng đã trở thành một bệ phóng giúp nhiều công nhân, kỹ sư sải cánh trên bầu trời lao động sáng tạo. Không dừng lại ở thành công sau khi nhận giải, nhiều người tiếp tục miệt mài cống hiến, đưa ra các cải tiến, sáng tạo, trở thành người thợ cả dìu dắt lớp thợ đàn em cùng tiến bước.

Tập hợp thành nhóm để thảo luận khi có các ý tưởng đã giúp 
nhóm kỹ sư nông nghiệp có thêm nhiều sáng kiến làm lợi cho đơn vị
Bệ phóng phát triển

15 giờ, trong một phòng họp nhỏ ở Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất diễn ra cuộc họp sôi nổi giữa những thành viên ưu tú nhất đến từ các phòng, ban công ty. Một nhân viên trong Ban cơ điện đưa ra ý tưởng mới. Những thành viên gạo cội, những “cây sáng kiến” đầy kinh nghiệm cùng góp ý và khuyến khích cậu nhân viên làm thử.

Đó là cuộc họp định kỳ hàng tuần của Ban chuyên đề sáng kiến. Ban này được thành lập sau khi Tổ trưởng tổ mẫu của công ty đạt giải thưởng Tôn Đức Thắng vào 12 năm trước. Từ cái nôi này, những ý tưởng nhỏ nhất đều được trân trọng, góp ý để phát triển thành những sáng kiến, cải tiến mang lại lợi ích hàng tỷ đồng cho công ty mỗi năm.

Người đạt giải năm ấy là ông Lâm Bằng Phi. Năm 2008, sau khi người kỹ sư đầu tiên của công ty vinh dự nhận giải thưởng, Tổng Giám đốc công ty đã quan tâm nhiều hơn đến phong trào sáng tạo, sáng kiến tại đơn vị. Ban chuyên đề sáng kiến cải tiến ra đời tập hợp những người ưu tú nhất trong công ty. Các thành viên họp với nhau hàng tuần để góp ý, nhằm đưa ra các ý tưởng phát triển và ứng dụng vào thực tế. Rất nhiều sáng kiến cải tiến đã ra đời từ đây. “Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho anh em khi có ý tưởng, hay phát hiện gì cứ trình bày. Tất cả đều được lắng nghe, góp ý, tư vấn. Cũng có khi chúng tôi gợi ý, đặt hàng để anh em phát triển lên. Làm việc nhóm như vậy rất hiệu quả”, ông Phi cho biết.

Công ty Cao su Thống Nhất chuyên sản xuất các chi tiết cao su kỹ thuật cao, sử dụng trong các loại máy móc như ô tô. Ông Phi chia sẻ, khách hàng luôn muốn giảm giá thành, trong khi người lao động luôn muốn tăng thu nhập. Do vậy, nếu không cải tiến liên tục, tăng năng suất thì không thể dung hòa được 2 nhu cầu gần như đối nghịch này và không thể cạnh tranh được. Vì coi trọng sáng kiến sáng tạo, nên công ty rất quan tâm biểu dương những sáng kiến mang lại hiệu quả trong công việc. Ông cho biết thêm, có những chi tiết, những máy móc vừa được cải tiến ít lâu, sau tự mình đã thấy nó lạc hậu, còn có thể làm tốt hơn là anh em lại tìm cách đổi mới tiếp.

Nhờ sự hỗ trợ, cùng nhau làm việc nhóm, khích lệ tinh thần sáng tạo như vậy, mà những năm qua, người lao động công ty liên tục được trao giải thưởng Tôn Đức Thắng. Năm nay, một nhân viên Ban cơ điện là Nguyễn Hoàng Tấn, 27 tuổi được nhận giải với 8 sáng kiến trong năm. Những hạt nhân sáng tạo này, sau đó đều được lãnh đạo công ty quan tâm, phát triển, có bước trưởng thành trong nghề nghiệp.

Ông Lâm Bằng Phi hiện là giám đốc một xí nghiệp thuộc Công ty Cao su Thống Nhất. Nhìn 12 năm qua, ông nhận ra con đường mình đã qua là những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi đáng tự hào, mà một trong những động lực tiếp bước là giải thưởng vinh danh người thợ năm xưa. Suốt chặng đường từ khi đạt giải thưởng Tôn Đức Thắng đến nay, ông ngày càng hăng hái làm việc, nghiên cứu và cho ra đời nhiều sáng kiến. Từ đó, ông được cất nhắc lên trưởng ban, rồi phó phòng, giám đốc dự án, kiêm luôn phó phòng nghiên cứu, nhất là năm 2010, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Động lực chinh phục mốc cao hơn

Nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2014, đối với kỹ sư Ngô Văn Miên, Tổ trưởng tổ Điện - Điện tử, Công ty cổ phần Máy An Phát - Liksin là bước ngoặt lớn trong công việc của mình. Kỹ sư Miên chia sẻ, giải thưởng đã đem lại cho ông sự uy tín - là hành trang quan trọng - mà nhờ đó được giao những công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hơn. Dù đã 6 năm kể từ ngày được vinh danh, ông Miên vẫn coi đó là một động lực to lớn và luôn dõi theo giải thưởng mỗi năm để bản thân tiếp tục cố gắng. Cũng từ đó, ông không cho phép mình tự mãn nên luôn tìm tòi để có những sáng kiến mới. Tính đến nay, ông Miên có thêm hơn 10 sáng kiến được ban giám đốc đánh giá cao và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. “Giải thưởng là động lực để tôi nhìn vào, lấy lại tinh thần mỗi khi gặp khó khăn trong công việc. Đó như cái mốc để tôi tiếp tục chinh phục những cái mốc cao hơn, nhằm khẳng định bản thân”, anh Miên bày tỏ.

Hai cá nhân tại Tổng Công ty Liksin từng đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng vẫn miệt mài sáng tạo tại đơn vị. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Kỹ sư Miên luôn cởi mở, hướng dẫn đồng nghiệp có những sáng kiến, cải tiến làm lợi cho công ty. Từ sự dìu dắt đó, nhiều thợ trẻ nối gót ông, vinh dự nhận được giải thưởng Tôn Đức Thắng. Theo ông Bùi Nguyễn Nam Khai, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Liksin, công ty có hơn 20 cá nhân đạt giải thưởng Tôn Đức Thắng. Lãnh đạo đơn vị nhìn nhận thành quả to lớn từ giải thưởng mang lại, nên luôn tạo điều kiện tốt nhất để người lao động thỏa sức sáng tạo và cống hiến. Để giúp tay nghề người lao động nâng cao, hàng năm, Liksin đều lên kế hoạch đào tạo công nhân kỹ thuật và giải thưởng đã trở thành động lực nghiên cứu, sáng tạo trong đội ngũ lao động của Liksin.


Với ông Đinh Văn Giai, Quản đốc Công ty TNHH Toàn Thắng (Khu Công nghiệp Bình Chiểu), giải thưởng Tôn Đức Thắng mang lại cho ông niềm tự hào, được lãnh đạo tin tưởng và những đề bạt của ông trong công việc đều được ghi nhận. “Sau khi nhận được giải Tôn Đức Thắng, mọi khó khăn của công ty, ban giám đốc đều tin tưởng trao đổi với tôi để cùng tìm cách tháo gỡ. Đó cũng là cách lãnh đạo công ty ghi nhận những nỗ lực của tôi trong công việc”, ông Giai chia sẻ.

Đối với đồng nghiệp, ông Giai trở thành chỗ dựa tinh thần to lớn. Từ giải thưởng ông đem về, nhiều sáng kiến nhỏ bắt đầu ra đời, rồi lan tỏa và trở thành phong trào trong công ty. Ở nhiều bộ phận sản xuất, người lao động chủ động tìm tòi những sáng kiến nhằm cải thiện hoạt động sản xuất mà mình phụ trách, qua đó cũng chủ động tháo gỡ khó khăn, giúp môi trường và điều kiện sản xuất bớt rủi ro.

Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Nâng tầm sáng kiến

Giải thưởng Tôn Đức Thắng ra đời là mong tìm ra những nhân tố tích cực để tôn vinh nhằm phát huy, lan tỏa các sáng kiến, sáng tạo. Qua 20 năm, không ít người được lãnh đạo các đơn vị, chủ doanh nghiệp (DN) ghi nhận thành tích, tạo điều kiện thăng tiến, phát triển thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý trên các lĩnh vực; hay những tổ trưởng kỹ thuật, quản đốc, trưởng phòng, giám đốc, từ đó đóng góp vào sự phát triển của DN. Tôi từng kỳ vọng những cá nhân nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để hỗ trợ DN, giúp DN phát triển ổn định, góp phần cho xã hội đi lên. 
Đến nay nhìn lại, tôi rất vui mừng trước những thành công mà giải thưởng mang lại. Chất lượng giải ngày càng cao, giá trị sáng kiến cũng lớn dần. Những người đạt giải không ngừng phát huy những sáng kiến của mình để thế hệ kế cận tiếp nối đi theo. Trong thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay, những sáng kiến cần được nâng tầm hơn nữa, không chỉ là những sáng kiến thông thường mà phải nhằm hỗ trợ DN bắt kịp được với xu hướng phát triển của thế giới.

Ông CAO XUÂN PHÁCH, nguyên Tổng Biên tập Báo SGGP: Đổi mới tiêu chí bình chọn và tuyên truyền

Là một trong những người khởi xướng giải thưởng Tôn Đức Thắng, đến nay, tôi vẫn tự hào khi Báo SGGP và Liên đoàn Lao động TPHCM đã tạo một sân chơi cho người lao động. Từ giải thưởng, nhiều thế hệ kỹ sư, công nhân đã trưởng thành, khẳng định được bản thân. Giải thưởng cũng là cột mốc quan trọng để người lao động phấn đấu, sáng tạo, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị nói riêng, của TPHCM nói chung.
Để giải thưởng ngày càng phát triển và lan tỏa, tôi nghĩ hàng năm, ban tổ chức nên bổ sung những tiêu chuẩn mới vào bảng tiêu chí bình chọn. Theo đó, những sáng kiến, cải tiến phải phù hợp với tình hình mới, bắt kịp với xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, công tác tuyên truyền cần đổi mới, tuyên truyền bằng nhiều cách thức nhằm thu hút được sự hưởng ứng của người lao động.

Tin cùng chuyên mục