Tâm sự của “hai ông bà già leo tường” ở Hà Nội:

Chúng tôi đã “nổi tiếng” bất đắc dĩ

Sáng qua 24-10, nhóm phóng viên báo SGGP đã “leo tường” vào nhà ông Trần Đức Tiến và bà Nguyễn Thị Dung ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, để nghe những lời tâm sự của họ sau gần 14 tháng sống trong “nhà không cửa”, gõ cửa nhiều nơi, chịu đựng nhiều lời chỉ trích nặng nề…
Chúng tôi đã “nổi tiếng” bất đắc dĩ

Sáng qua 24-10, nhóm phóng viên báo SGGP đã “leo tường” vào nhà ông Trần Đức Tiến và bà Nguyễn Thị Dung ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, để nghe những lời tâm sự của họ sau gần 14 tháng sống trong “nhà không cửa”, gõ cửa nhiều nơi, chịu đựng nhiều lời chỉ trích nặng nề…

  • Ông Trần Đức Tiến:
    Tôi bị chỉ trích nặng nề, mất ngủ nhiều đêm
Chúng tôi đã “nổi tiếng” bất đắc dĩ ảnh 1

Phóng viên báo SGGP leo tường vào thăm gia đình ông bà Tiến – Dung.

Khi bắt đầu bị bịt cửa, tôi không bao giờ nghĩ rằng vụ việc lại kéo dài tới hơn 1 năm trời. Chúng tôi bất đắc dĩ phải trả lời báo chí, cứ mỗi lần như vậy lại thấy thật xấu hổ khi câu trả lời vẫn luôn làø “tiếp tục leo tường”. Tôi cũng không hiểu vì sao chính quyền phường, quận cứ luôn nghĩ chúng tôi “lợi dụng báo chí để nói xấu chính quyền, gây mất ổn định ở địa phương”(?!).

Trong mọi văn bản, mọi cuộc họp ở phường hay quận, gia đình tôi đều bị “mắng mỏ” rất nặng nề là “ăn ở không ra gì với hàng xóm” (chính các anh chị dự họp cũng chứng kiến đấy), nhưng cả nhà ông Phàn và ông Vũ cũng đều xác nhận là các bên không có mâu thuẫn gì gay gắt, không có vụ xô xát, to tiếng nào. Nói thật, chúng tôi cũng thấy tủi thân vì là người ở nơi khác đến, trong khi xung quanh toàn là họ hàng, làng mạc nhà ông Vũ, nên dù ở đây đã hơn 10 năm vẫn chưa thể có nổi một lối đi.

Tuy thế, ông chủ đất vẫn còn sống, vẫn còn nhiều cụ cao niên khác sẵn sàng xác nhận cho chúng tôi về nguồn gốc ngõ đi trước mặt. Mà cho dù đó có là sở hữu của gia tộc ông Vũ đi chăng nữa thì theo Bộ luật Dân sự, chúng tôi vẫn có thể mở được lối đi chứ, chúng tôi đã từng đặt vấn đề trả tiền để mua lối đi kia mà! Ngõ trước nhà tôi chính là bất động sản liền kề thuận tiện nhất để mở lối đi, còn việc đi nhờ qua nhà ông Phàn rõ ràng không phải là giải pháp lâu dài. Kể từ khi xảy ra vụ việc, tôi phải bảo con trai đi ở chỗ khác, chỉ e nó nóng nảy thì không hay. Có người cũng bảo tôi tại sao không mở cửa bừa đi, nhưng tôi luôn muốn giải quyết bằng pháp luật. Tôi đã mất ngủ nhiều đêm, nhưng vẫn hy vọng rồi nhà mình sẽ có lối đi chính thức.

  • Bà Nguyễn Thị Dung:
    Ba ngày Tết buồn nhất!
Chúng tôi đã “nổi tiếng” bất đắc dĩ ảnh 2

Ông Tiến đang tâm sự về việc “nhà không cửa”.

Hai tháng liền sau khi bị bịt cửa tôi hầu như không ra ngoài, sau đó để đảm bảo cuộc sống bình thường, đành phải cố leo vậy (bà Dung bị thấp khớp nặng, những ngón tay đã bị co lại). Mấy ngày Tết Bính Tuất vừa rồi là những ngày chúng tôi thấm thía cái nỗi khổ của người “có nhà không có cửa”.

Ông bà Khôi (gia đình hàng xóm vẫn cho ông bà Tiến leo tường nhờ) tốt bụng, nhưng chúng tôi biết chúng tôi đang làm phiền họ lắm, nên cũng phải ý tứ, chuẩn bị đầy đủ các thứ để không phải đi ra ngoài trong 3 ngày Tết.

Tất nhiên là chúng tôi không dám mời khách khứa, họ hàng nào đến thăm trong tình cảnh này rồi! Đến hai đứa cháu ngoại cũng không dám cho về, sợ chúng leo tường ngã thì khổ. Từ một năm nay tôi đã sút mất mấy cân, con gái tôi đã có gia đình riêng ở nơi khác, vừa phải đi làm, vừa phải chăm sóc 2 con nhỏ và lo cho bố mẹ nên cũng gầy yếu lắm. Với gia đình ông Phàn, tôi cũng giận, nhưng thấy buồn nhiều hơn. Ngày xưa bà Phàn với tôi đã cùng lớn lên ở số nhà 26 Hàng Gai…

A. PHƯƠNG – Q. TRỌNG

Trải qua một buổi sáng trong căn nhà không có cửa, leo ra leo vào trên chiếc thang tre không mấy thuận tiện, dễ dàng – ngay cả với những người trẻ tuổi - chúng tôi thêm thấm thía tình cảnh khó khăn của hai người già đều đã trên 60 tuổi. Toàn bộ sự việc đã được Báo SGGP thông tin khá đầy đủ đến bạn đọc, xin không phán xét ai đúng ai sai, nhưng điều dễ nhận thấy là sự chậm trễ của một quyết định cưỡng chế (trên thực tế đã lại bị vô hiệu hóa). Rất mong câu chuyện này sớm có kết thúc có hậu!

Thông tin liên quan

Câu chuyện buồn khi không còn tình hàng xóm

Hé mở khả năng giải quyết

Những người hàng xóm nói gì?

Pháp luật có đủ cơ sở để giải quyết lối đi cho nhà ông Tiến

Vụ việc có thể giải quyết theo Bộ luật dân sự

Chủ tịch quận Hai Bà Trung trực tiếp làm việc với các gia đình có liên quan

Tuần tới, sẽ mở lại lối đi cho gia đình ông Tiến

Tin cùng chuyên mục