Chuyến công du quan trọng

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang có chuyến công du tới Ấn Độ. Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục căng thẳng liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, cũng như chủ trương đa dạng hóa kinh tế của Berlin, chuyến thăm này được đánh giá có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên phải) và người đồng cấp Đức Olaf Scholz tại lễ đón ở New Delhi ngày 25-2. Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên phải) và người đồng cấp Đức Olaf Scholz tại lễ đón ở New Delhi ngày 25-2. Ảnh: REUTERS

Chuyến thăm đầu tiên của ông Olaf Scholz tới Ấn Độ trên cương vị Thủ tướng Đức được cho là cơ hội tốt để hai bên tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng, hướng tới các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn, thúc đẩy hợp tác về lao động và đưa ra hướng dẫn chiến lược cho sự hợp tác về khoa học - công nghệ.

Hiện tại, Đức đang tích cực đa dạng hóa quan hệ kinh tế, thương mại với mục tiêu giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ấn Độ, với quy mô dân số khoảng 1,4 tỷ dân và là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, là đối tác hết sức quan trọng của Đức tại châu Á.

Dù vậy, trong danh sách các đối tác thương mại lớn nhất của Đức năm 2022, Ấn Độ chỉ xếp thứ 22 về xuất khẩu và thứ 24 về nhập khẩu. Kim ngạch thương mại song phương Đức - Ấn chỉ đạt khoảng 30 tỷ EUR, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn hợp tác của hai bên. Tại Đức, mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác hơn nữa về kinh tế, thương mại với Ấn Độ - động lực tăng trưởng của châu Á, là rất lớn.

Theo ông Stefan Halusa, lãnh đạo Phòng Thương mại Đức tại Ấn Độ, với mối quan hệ chính trị tốt, chia sẻ nhiều giá trị chung, hai nước có rất nhiều cơ hội để thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại. Vì không có sự phụ thuộc từ một phía nên cán cân thương mại song phương khá cân bằng.

Ấn Độ đang giữ cương vị Chủ tịch Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại New Delhi vào tháng 9 tới, trong đó chủ đề khí hậu và các ngành công nghiệp xanh sẽ là một phần quan trọng của các cuộc đàm phán.

Giống như EU và Mỹ, Ấn Độ đang tích cực đầu tư cho các công nghệ mới, trong đó có công nghệ năng lượng Mặt trời, hydro xanh và xe điện. Đây đều là các lĩnh vực mà nền kinh tế Đức hết sức quan tâm…

Tin cùng chuyên mục