Chuyến tàu chở những yêu thương

Tết Giáp Thìn 2024 cận kề, những chuyến tàu mang quà tết ra các nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc không chỉ chở cành quất, cành mai, nhu yếu phẩm... mà còn chở đợi chờ, hy vọng, cả những yêu thương từ đất liền của hậu phương người lính nhà giàn.

Trong chuyến công tác của Vùng 2 Hải quân cùng phóng viên báo, đài đi thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ công tác tại các nhà giàn DK1, có những phần quà của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, BTL Vùng 2 Hải quân, người dân, doanh nghiệp... trao gửi tình cảm cho các cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại nhà giàn.

l52a6613-1146.jpg
Các chiến sĩ mang quà tết lên tàu

Tấm lòng hậu phương

Trong không khí nhộn nhịp, các chiến sĩ hải quân tất bật mang quà lên tàu. Giữa hàng trăm thùng quà tặng, có những món quà đặc biệt của người thân cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió.

Mặc chiếc áo dài đằm thắm, chị Trần Thị Thanh Thảo, giáo viên Trường Mầm non Hoa Sen (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), đưa con gái 4 tuổi đến để gửi quà tết cho chồng là Chính trị viên nhà giàn DK1/16 Lê Minh Tân.

Chị Thảo mang theo khung ảnh có hình gia đình do hai mẹ con tự chụp, tự trang trí và một chậu xương rồng nhỏ gửi tặng chồng. "Mong bố Tân hãy vững vàng như cây xương rồng, luôn đứng vững giữa biển khơi, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ", chị Thảo rưng rưng.

img-9336-1449.jpg
Chị Thảo cùng con gái và món quà mang gửi tặng chồng

Chị Thảo kể, hai vợ chồng lấy nhau hơn 9 năm mới có đứa con đầu tiên. Con gái gần gũi và quấn bố nhưng ngặt nỗi bố đi công tác xa nên số lần hai bố con được gặp nhau rất ít. Chị chia sẻ, con gái chưa hiểu là nhà giàn không có mạng di động mà hay khóc đòi phải gọi điện video để nhìn được mặt bố. Những lúc như thế, chị vừa làm mẹ, vừa làm bố, vỗ về an ủi con, không nói với chồng để chồng yên tâm công tác.

Ôm chặt con gái trong tay, chị Thảo cho hay, lần thứ 2 chồng đi làm nhiệm vụ ở nhà giàn, nhìn con, chị càng nhớ chồng nhiều hơn. Những lúc bộn bề công việc, thấy gia đình khác sum vầy, bản thân cũng có đôi chút tủi thân. Nhưng bù lại, chị luôn cảm thấy tự hào vì có chồng là Chính trị viên, luôn làm tốt công tác chính trị, tinh thần, tư tưởng cho các chiến sĩ nhà giàn.

Trước lúc 2 chuyến tàu Trường Sa 04 và Trường Sa 16 của đoàn công tác xuất phát, chị Thảo nhờ chúng tôi gửi gắm đến chồng những lời yêu thương: "Bố Tân ơi, hai mẹ con ở nhà đang rất cố gắng, bố cũng hãy cố gắng và luôn vững tin vào hai mẹ con. Mong rằng bố sẽ không buồn và đón tết thật vui bên các chiến sĩ nhà giàn. Hai mẹ con yêu bố rất nhiều".

Trong những người thân đến tiễn đoàn công tác, có một cô gái nhỏ nhắn, mặc chiếc váy đỏ, đứng khép nép từ xa. Em tên Lê Thị Quỳnh Như (sinh năm 2002), đến tiễn bạn trai là Hạ sĩ Nguyễn Tấn Giàu, đi cùng chuyến tàu với đoàn công tác để ra nhà giàn DK1/10 làm nhiệm vụ chuyển quân.

z5139009386392-cfbb264b15be7b3e57bd4a492756f0a1-2921.jpg
"Em đợi anh về ổn định sự nghiệp rồi cưới em"

Hai em bên nhau đến nay cũng được 5 năm. Giàu nhập ngũ 1 năm nay, hầu như cuối tuần nào Như cũng vào thăm, động viên bạn trai. "Nhận tin bạn trai đi công tác nhà giàn, mấy đêm liền em không ngủ được. Cảm xúc vẫn có chút buồn như lần đầu bạn đi nghĩa vụ, nhưng lần này đi xa hơn và lâu hơn, nhiệm vụ cũng khó khăn hơn", Như bộc bạch.

Choàng chiếc khăn rằn, sửa soạn lại tư trang cho người yêu, Như nói nhỏ: "Ở nhà em sẽ thường xuyên đến thăm gia đình, anh yên tâm công tác, em chờ anh về ổn định sự nghiệp rồi cưới em".

"Lá thư DK"

Chúng tôi lên con tàu Trường Sa 04, xuất phát trong niềm háo hức được mang yêu thương từ đất liền ra biển. Trong số 5 nhà giàn đoàn công tác đến thăm, dự kiến Giàu sẽ chuyển quân ở nhà giàn cuối cùng. Vì vậy, chúng tôi có dịp nói chuyện, chia sẻ với em suốt cả chặng đường.

Nguyễn Tấn Giàu (sinh năm 2002, ngụ TP Vũng Tàu) nhập ngũ tháng 2-2023. Dù được rèn luyện trước nhưng hải trình vất vả, xa xôi, bản thân trước đó chưa ra nhà giàn nên Giàu không ít lần say sóng nặng. Tổ công tác của tàu và cán bộ, chiến sĩ quan tâm, thường xuyên dặn dò Giàu nghỉ ngơi. Tuy nhiên, em vẫn luôn xông xáo, giúp các anh làm các công việc trên tàu, với nụ cười luôn nở trên môi.

l52a6445-8770.jpg
Giàu trước giờ xuất phát đi làm nhiệm vụ

Một ngày, từ trên tầng 2 của tàu, chúng tôi nghe vang vọng tiếng đàn, hát từ tầng 1: “Lá thư đầu anh viết tặng em/là lá thư anh kể về đơn vị/anh kể em nghe những lúc biển bình yên/vầng trăng sáng trên nhà giàn lấp lánh...”.

Đó là bài hát "Lá thư DK" của ca sĩ - nhạc sĩ Lê Anh Tuấn, thành viên đoàn công tác đã sáng tác ngay trên con tàu Trường Sa 04 của chúng tôi. Anh đang tập hát để gửi tặng cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1. Ai nấy vui mừng, vỡ òa xúc động khi được nghe những câu hát như chứa đựng tất cả mọi thứ đoàn công tác được mắt thấy, tai nghe những ngày qua; cả những cảm xúc không thể nói thành lời.

Tôi trò chuyện với anh Tuấn về bài hát "Lá thư DK" khi còn 2 ngày là chúng tôi sẽ đến nhà giàn DK1/10 tại bãi cạn Cà Mau. Đây cũng là nhà giàn cuối cùng và hứa hẹn có thể lên tận nơi thăm, chúc tết chiến sĩ sau khi lỡ hẹn với 4 nhà giàn vì sóng to, gió lớn.

Anh Tuấn kể, từ khi bắt đầu tiếp xúc với các chiến sĩ hải quân, bản thân đã cảm nhận được tình cảm, sự quan tâm của các anh dành cho bản thân và đoàn công tác. Trong đó có hình ảnh Thượng tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, người đã hỗ trợ nhiệt tình, công việc bận rộn vẫn giúp anh tìm trang phục để đoàn quay phim.

"Anh Thái nhắn tôi lúc lên nhà giàn nếu được thì sáng tác cho các chiến sĩ DK ít nhất một bài hát. Tôi càng thêm quyết tâm vì bản thân cũng đã ấp ủ ý định này, không dễ dàng để được trải nghiệm, cảm nhận sự khó khăn của người lính nhà giàn", anh Tuấn kể.

z5086768452134-15a3efcf003c0839db1c9927001f6382-2588.jpg
Nguyễn Tấn Giàu (ngoài cùng bên phải) hỗ trợ ca sĩ Anh Tuấn (áo trắng, phía trước) quay phim

Suốt cả chặng đường, ca sĩ Anh Tuấn bị say sóng khá nặng, phải dùng đến sự trợ giúp của thuốc. Những ngày say sóng mệt nhọc, anh càng cảm nhận được sự vất vả của các chiến sĩ hải quân: "Tàu chao đảo dập dềnh, mỗi đứng thôi đã không thể đứng vững mà các anh vừa phải sinh hoạt, vừa phải thực hiện nhiệm vụ, vừa thương vừa nể phục các anh".

Anh Tuấn cố gắng ngồi dậy, hát cho tôi nghe. Bài hát được viết dựa trên ý thơ “Thư gửi em” của Thiếu úy Lê Ngọc Chung, công tác tại Nhà giàn DK1/20. Ngoài hình ảnh người chiến sĩ hải quân, anh Tuấn lấy cảm hứng chính từ hậu phương chiến sĩ, trong đó đặc biệt là hình ảnh cái ôm của Hạ sĩ Nguyễn Tấn Giàu với bạn gái lúc đoàn chuẩn bị xuất phát.

z5139074811604-f4474629bf09a616ad1fc9fed3db43c5-9015.jpg
Lá thư DK

Chia sẻ về tâm huyết với những sáng tác về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, anh Tuấn cho rằng, những ca - nhạc sĩ, cũng là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, cần có thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật viết về các anh - bộ đội Cụ Hồ nói chung, những người lính màu áo trắng hải quân nói riêng.

"Viết và hát về người lính cũng là nguồn động lực rất lớn cho Đảng, đất nước trong giai đoạn hiện nay. Vừa là ca - nhạc sĩ, vừa là Phó Bí thư Chi bộ, tôi mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa trong sự nghiệp tuyên truyền, dân vận, cố gắng hết sức cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc", anh Tuấn chia sẻ.

z5139033827329-78faffd7765911bf0de402adc72693ee-57.jpg
Nhà giàn DK1/10, xin đợi chúng tôi...

Tối trước ngày lên nhà giàn DK1/10, anh Tuấn vẫn ngồi nhẩm lại "Lá thư DK": "Anh kể lại nơi anh những lúc biển cuồng phong/biển giận dữ hung tàn quá đỗi/nhà giàn kiên trung giữ vững thềm lục địa/như tình anh yêu em, tình yêu bất tận"... Trong đêm sâu, trong niềm háo hức ngày mai được gặp cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, tiếng hát của ca sĩ Anh Tuấn cứ mãi vang vọng giữa biển khơi...

Tin cùng chuyên mục