Có biết uống không?

Đó là câu hỏi mà một số nhà tuyển dụng phỏng vấn ứng viên nêu ra, bất kể trước mặt là ứng viên nữ hay nam. Khi xin việc, bên cạnh những điều kiện về trình độ, kinh nghiệm và ngoại hình, nhiều nhà tuyển dụng còn quan tâm về tửu lượng của ứng viên!

Tại một buổi phỏng vấn xin việc, sau khi hỏi qua loa vài câu về kinh nghiệm làm việc, trưởng phòng nhân sự của Công ty TNHH Kiểm toán C. đã hỏi Tuyết Minh (24 tuổi): “Em có biết uống bia hay rượu không? Hát karaoke hay không?”. Hơi bất ngờ về câu hỏi, phải mất một khoảng thời gian, Minh mới trả lời: “Em uống hơi kém, được tầm 2-3 chai, còn hát thì cũng tạm được”.

Người phỏng vấn nghe xong cũng không hỏi thêm và bắt đầu phỏng vấn về chuyên môn. Gần cuối buổi phỏng vấn, do là lần đầu nên Tuyết Minh cũng đã hỏi phía công ty về những kỹ năng mà mình cần trau dồi thêm để hoàn thành tốt công việc.

“Hồ sơ của em, anh thấy rất ổn nhưng bên công ty anh đang cần nhân viên có khả năng giao tế tốt. Nếu được thì em nên tập uống thêm. Phía anh sẽ cân nhắc thêm về vị trí của em. Công ty sẽ thông báo kết quả vào thứ hai tuần sau. Em có thể về được rồi”, vị này nói.

Với câu hỏi “Có biết uống không?” tưởng chừng không liên quan đến công việc kiểm toán, nhưng 4 lần đi phỏng vấn sau đó, Tuyết Minh đã gặp hết 3 nhà tuyển dụng hỏi câu này.

Không chỉ riêng Minh gặp phải câu hỏi này, rất nhiều bạn trẻ khi xin việc đã được đặt vấn đề về khả năng ăn nhậu. Văn Nghĩa (24 tuổi) sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TPHCM nộp đơn xin việc vào một công ty xây dựng ở quận 10. Khi phỏng vấn, cũng được hỏi có biết uống không, Nghĩa liền trả lời: “Em uống tệ lắm nên không thích nhậu. Mỗi lần uống em đều bị dị ứng, mẩn đỏ khắp người”. Câu trả lời của Nghĩa đã khiến một số người bên phía tuyển dụng lắc đầu. 

Mà không chỉ mỗi nghề xây dựng, còn nhiều ngành nghề khác đang bị mặc định rằng phải ăn nhậu tốt mới kiếm được nhiều tiền, như bất động sản, xây dựng, truyền thông, bán hàng… 

Tốt nghiệp cao đẳng với tấm bằng loại khá, Kim Mai (22 tuổi) đã chật vật để tìm cho mình một công việc. Cô gửi hồ sơ ứng tuyển ở nhiều nơi nhưng đều bị từ chối vì chưa có kinh nghiệm.

Rồi Mai cũng được nhận vào Công ty Bất động sản D.K. (quận 5, TPHCM) với lời hứa hẹn: “Công ty không ngại sinh viên mới ra trường vì ở đây sẵn sàng đào tạo, nhưng bạn phải có tinh thần học hỏi, tự tin, có khả năng ngoại giao tốt và thực hiện tốt những phân công khác của cấp trên”. 

Chỉ vài ngày sau khi đi làm, Kim Mai đã được cử đi “ngoại giao” cùng các anh chị đồng nghiệp. Tại buổi ăn tối, Mai được giới thiệu là nhân viên mới nên mọi người chú ý: “Chào mừng nhân viên mới, anh mời em một ly, 100% nha”, hết người này đến người kia chúc mừng. Say đến mức không đi nổi, Mai được anh chị đồng nghiệp đưa về công ty nghỉ tạm. Nhưng đó chỉ là mở màn cho yêu cầu “thực hiện những phân công khác” mà nhà tuyển dụng trao đổi lúc đầu.

Chỉ sau vài tháng, khả năng uống của Mai tăng hẳn, không còn cần đến sự “kèm cặp” của các anh chị. Nhưng nếu chỉ uống thôi thì đã là gì. Đối với nhiều người, hơi men chính là sự biện minh cho những hành vi không đúng mực có chủ đích. Khi uống cùng đối tác, Mai đã không ít lần bị đụng chạm, những lần đầu cô còn báo cáo với sếp nhưng dần dần cô cũng phải chấp nhận, xem đây là một phần tất yếu của công việc.

“Mặc dù lương rất cao, công việc cũng không nặng, chủ yếu là đi ngoại giao, nhưng làm ở đây tôi không học được gì ngoài uống cả. Vài tháng nữa thôi sẽ đủ 2 năm kinh nghiệm rồi, đến lúc đó sẽ tìm công việc có thể phát triển được năng lực bản thân mà không cần đến tửu lượng”, Mai tâm sự.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc xây dựng các mối quan hệ trong công việc, nhưng việc yêu cầu nhân viên dùng bia rượu để tạo dựng mối quan hệ cho công ty và để vừa lòng sếp, thực sự là không cần thiết. Nếu quan niệm này ngày càng phổ biến thì liệu các bạn trẻ có chọn cách nâng cao tửu lượng thay vì trau dồi tài đức?

Tin cùng chuyên mục