Luật mới có thay đổi mức lương làm cơ sở đóng BHXH. Vậy mức hưởng hưu trí có gì thay đổi? Tôi lo lắng 15 năm nữa khi tôi về hưu thì tiền mất giá. Vậy lương hưu có được “bù” phần trượt giá? (Nguyễn Thị Thu Thủy, ngụ huyện Bình Chánh).
Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM: Từ ngày 1-1-2016, nền lương làm cơ sở đóng BHXH có sự thay đổi. Do mức đóng nhiều hơn so với trước đây nên các chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp và mức hưởng hưu trí sẽ cao tương xứng. Đặc biệt, tại thời điểm giải quyết hưu trí thì mức đóng BHXH sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng hàng năm do Bộ LĐTB-XH công bố. Thông thường, khi Nhà nước thay đổi mức lương cơ sở thì người hưởng lương hưu cũng được tăng lương hưu với tỷ lệ tương ứng. Hiện nay, Nhà nước cũng đang chuẩn bị triển khai loại hình bảo hiểm hưu trí bổ sung. Những yếu tố trên khi kết hợp với nhau trong thời gian tới sẽ làm cho mức hưởng lương hưu cao hơn, lương hưu sẽ thực sự có ý nghĩa, giúp giải quyết tình trạng về hưu thành… người nghèo như hiện nay.
Người đang đóng BHXH hay người đang hưởng lương hưu mà chết, các chế độ BHXH giải quyết thế nào? Con, cháu có được thừa kế các chế độ BHXH khi người thân qua đời? (Hoàng Thanh Đảm, ngụ quận Thủ Đức)
Người lao động đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên khi chết thì thân nhân được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở (hiện nay lương cơ sở là 1.150.000 đồng).
Luật cũng quy định, thân nhân được xét hưởng tuất hàng tháng. Cụ thể: con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai. Nhóm thứ 2 là người vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Nhóm nữa là cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ (hoặc dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên).
Các thân nhân trên phải không có nguồn thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức lương cơ sở. Số thân nhân được xét hưởng tối đa không quá 4 người. Mức hưởng hàng tháng bằng 50% mức lương cơ sở, trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì tỷ lệ này là 70%.
Nếu không có thân nhân đủ điều kiện hưởng tuất hàng tháng hoặc có thân nhân đủ điều kiện hưởng hàng tháng nhưng thân nhân lại có nguyện vọng hưởng tuất 1 lần (trừ trường hợp có con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên) thì được giải quyết tuất 1 lần.
Tương tự, người đang hưởng lương hưu mà chết thì thân nhân cũng được xét hưởng chế độ như quy định trên. Tuy nhiên mức hưởng tuất 1 lần đối với người hưởng lương hưu chết thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu.
Nếu trong cả 2 trường hợp nêu trên, người chết không có thân nhân thì trợ cấp tuất 1 lần thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Bạn đọc có thể gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP,
số 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; hoặc điện thoại 0914446618,
email: duongloan@sggp.org.vn.