Cô gái với ước mơ làm sạch môi trường

Từ khi còn là sinh viên, Nguyễn Ngọc Ánh ấp ủ giấc mơ làm sạch môi trường. Bằng những hành động thiết thực, chỉ sau 3 năm, cô gái có vóc người nhỏ bé đã làm được những điều lớn lao khiến người khác ngưỡng mộ.

Xây dựng Cộng đồng xanh

Nguyễn Ngọc Ánh (25 tuổi, quê tỉnh Đắk Lắk) hiện là nhân viên kinh doanh của một doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Ánh đã tham gia nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, mong muốn lan tỏa tinh thần sống xanh trong cộng đồng.

Tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định nhưng Ánh quyết định nghỉ việc một thời gian để đi nhặt rác. Một lần nhìn ngắm những đứa trẻ vô tư chơi đùa với rác trên bãi cát ven biển, Ánh trăn trở: Hành động vô tâm hôm nay sẽ để lại hậu quả mà thế hệ mai sau gánh chịu. Điều đó thôi thúc Ánh bắt đầu hành trình góp phần làm sạch môi trường. 

Năm 2017, Nguyễn Ngọc Ánh tham gia tổ chức bảo vệ môi trường Trashpackers, tình nguyện đi dọc Việt Nam và một số quốc gia lân cận để nhặt rác, tuyên truyền bảo vệ môi trường. Với kinh nghiệm và các mối quan hệ tích lũy trong quá trình tham gia tổ chức đa quốc gia này, cuối năm 2019, Ngọc Ánh thành lập nhóm Cộng đồng xanh Việt Nam, gồm 20 thành viên. Thông qua mạng xã hội, nhóm đã kêu gọi, thành lập mạng lưới ở 63 tỉnh thành với hơn 5.000 thành viên có chung tình yêu môi trường. Thành viên nhóm đa phần là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên, hoạt động theo phương châm “vì một Việt Nam xanh - sạch - đẹp”. 

Cô gái với ước mơ làm sạch môi trường ảnh 1 Nguyễn Ngọc Ánh được Hội LHTN Việt Nam phường Dĩ An (Bình Dương) trao tặng danh hiệu “Thanh niên sống đẹp - sống có ích” lần VII, năm 2020
Chỉ trong hơn 1 năm, nhóm tổ chức hàng trăm cuộc ra quân, dọn sạch hàng ngàn bãi rác tự phát. Riêng năm 2020 có 2 đợt “ra quân” lớn với hơn 4.380 tình nguyện viên trên cả nước, đồng loạt hưởng ứng phong trào “Clean up Việt Nam”, cùng dọn dẹp, nhặt rác thải tại các khu du lịch và những điểm đen ô nhiễm môi trường. Rác sau khi thu gom được phân loại, chính quyền địa phương hỗ trợ vận chuyển tới bãi tập kết rác và xử lý theo đúng quy trình. 

Lan tỏa tình yêu môi trường

ể lan tỏa thông điệp sống xanh, dựa trên kế hoạch chung, các nhóm nhỏ ở mỗi địa phương thường xuyên vận động người dân trồng cây xanh, tổ chức sự kiện đổi rác lấy quà, xây dựng mô hình “cá bống ăn rác thải nhựa” đặt ở bãi biển...

Mỗi cuối tuần, các nhóm lại vận động người dân nhặt rác và dọn dẹp các bãi rác tự phát nơi công cộng. Mục đích, ý nghĩa tốt đẹp nhưng không có hành trình nào là đơn giản. Nhóm hoạt động phi lợi nhuận, gặp khá nhiều khó khăn như xây dựng cách thức tập hợp mọi người hiệu quả; tìm nguồn kinh phí mua sắm dụng cụ gắp rác, bao tay, túi y tế (hiện đa phần do các thành viên tự trang bị). 

Bên cạnh đó, Nguyễn Ngọc Ánh và Cộng đồng xanh Việt Nam còn kết nối, tổ chức các cuộc nói chuyện với học sinh ở TPHCM, Vũng Tàu, Bình Phước…, hy vọng truyền cảm hứng, từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các em nhỏ.

Hiện tại, nhóm đang thực hiện dự án xây phòng học cộng đồng cho trẻ em nghèo bằng gạch sinh thái ở xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Gạch được làm từ vật liệu chính là túi ni lông và chai nhựa. Công trình đã khởi công và dự kiến có thể đưa vào hoạt động từ tháng 6-2021. Vậy là, các loại rác thải thay vì bỏ đi thì được hồi sinh, có thêm một vòng đời ý nghĩa. 

"Có người bảo tôi toàn lo chuyện bao đồng, nhưng tôi không để tâm. Sau cùng, tôi chỉ muốn góp phần giúp người dân thay đổi nhận thức, phát huy trách nhiệm với môi trường và làm sạch môi trường Việt Nam trong tương lai gần" 

Nguyễn Ngọc Ánh

Võ Hoàng Nhật Minh (22 tuổi), sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng: “Chỉ cần có người khởi xướng, phát động phong trào thì sẽ có rất nhiều người ủng hộ và tình nguyện tham gia. Bản thân tôi cũng thấy được ý nghĩa của những việc này nên sẵn sàng cùng nhóm đi nhặt rác, tuyên truyền bảo vệ môi trường ở nhiều nơi. Thế nhưng, để xây dựng ý thức, hành động không xả rác, cùng nhau nhặt rác làm sạch môi trường trở thành thói quen của mỗi người vẫn là câu chuyện dài phải nỗ lực từng ngày”.

Đằng sau những thành quả bước đầu kể trên là cả quá trình vất vả mà trong đó, ngoài ý chí, khát vọng còn có mồ hôi, nước mắt của hàng ngàn bạn trẻ để chuyển tải thông điệp sống trách nhiệm và hành động thiết thực bảo vệ môi trường.

Nguyễn Ngọc Ánh, cô gái trẻ dành cả tâm huyết và sức lực của mình cho mục tiêu đẹp đẽ này, chia sẻ: “Tôi mong muốn hoạt động của Cộng đồng xanh Việt Nam không dừng lại ở một trào lưu, mà sẽ thành một cơn sóng ngầm, lan tỏa mạnh mẽ trong mỗi con người Việt Nam”.

Tin cùng chuyên mục