Cơ hội nào cho phim tết?

Cơ hội nào cho phim tết?

Hết thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, nhiều tín hiệu cho thấy điện ảnh Việt Nam đã có sự khởi sắc nhất định. Thế nhưng, nói một cách thẳng thắn, dường như công chúng vẫn chưa có thói quen đến rạp xem phim nội. Những phòng chiếu phim hiện đại xuất hiện đang nỗ lực thay đổi thái độ thờ ơ của người dân đô thị với những sản phẩm do các nhà làm phim trong nước thực hiện. Rõ ràng, chúng ta không thể nhân danh bất cứ điều gì để kêu gọi khán giả phải thưởng thức phim nội, khi họ chưa thể hài lòng với giá trị thẩm mỹ trên màn bạc. Nếu có một cuộc điều tra xã hội học, sẽ không khó để nhận ra vài yếu tố ngăn cản giới mộ điệu đến với điện ảnh như nhịp sống quá bận bịu hay e ngại giao thông bất tiện. Vì vậy, khoảng thời gian phù hợp nhất để người xem cởi mở hơn với phim nội, có lẽ phải kể đến dịp tết.

Cơ hội nào cho phim tết? ảnh 1

Các diễn viên trong phim Cô dâu đại chiến. Ảnh: T.L.

Được nghỉ lễ dài ngày cộng với không khí linh thiêng tìm về nguồn cội, công chúng sẽ không quá lưỡng lự để khám phá tình cảm người Việt Nam thời hội nhập được phản ánh trên từng bộ phim. Đáng tiếc, từ một sự tính toán khôn ngoan nào đó, hoặc từ một tư duy khuôn mẫu nào đó, những người làm phim tự tin định hướng phim tết theo lối phim hài, càng cười cợt càng ăn khách, càng hời hợt càng bội thu. Cuộc cạnh tranh giữa các hãng phim có chung mục đích tay này thọc lét tay kia đếm tiền, đã khiến chất lượng phim tết ngày càng giảm sút. Thử điểm lại dăm ba bộ phim từng tuyên bố kiếm được hàng tỷ đồng từ quầy bán vé như “Phát tài”, “Giải cứu thần chết” hay “Nhật ký Bạch Tuyết”, “Công chúa teen và ngũ hổ tướng” mới ngộ ra rằng những tác phẩm ấy không mang lại gì cho đời sống văn hóa ngoài mấy câu… quảng cáo hoa mỹ! Có phải đã đến lúc chúng ta cần thành tâm lắng nghe một chút chua chát khi trình độ cảm thụ của xã hội đã cao hơn rất nhiều, mà nền nghệ thuật thứ bảy vẫn hồn nhiên theo đuổi công thức chân dài + hài hước = phim tết?

Đành rằng ở thương trường, ai bỏ ra một đồng vốn cũng muốn bốn đồng lời. Tuy nhiên, điện ảnh không phải chốn dễ dàng di dưỡng cho sự sáo rỗng của son phấn và tấu hài. Đã vang lên trầm bổng không ít ngoa ngôn về tính sáng tạo trong các bộ phim tết, chỉ nhận lại những nét cười xót xa trên môi những người yêu điện ảnh thực lòng thực dạ. Bởi lẽ, thị trường băng đĩa trăm hồng ngàn tía và hàng chục kênh phim quốc tế trên truyền hình cáp thời hội nhập đã góp phần mở rộng biên độ tiếp nhận của khán giả hôm nay. Xem phim tết của các nhà sản xuất hãnh tiến, không khó khăn gì để nhận ra phim này na ná thể loại phim hài nhảm kiểu Châu Tinh Trì của Hồng Công, còn phim kia mô phỏng thể loại phim ca nhạc kiểu High School của Mỹ. Bắt chước trong nghệ thuật có lẽ không phải một tật xấu, nhưng nếu muốn bắt chước thì hãy bắt chước ở nơi kín đáo hơn, vì màn ảnh phim tết luôn thu hút hàng triệu con mắt trông vào với tất cả sự tin cậy và hy vọng.

Phim tết năm nay lại tiếp tục hào hứng với “Cô dâu đại chiến”, “Thiên sứ 99” và “Bóng ma học đường”, nhưng chẳng lấy gì đảm bảo niềm náo nức của khán giả vẫn còn nguyên như đã từng hồi hộp với “Gái nhảy” rồi bẽ bàng với “Trai nhảy”. Không ai cấm những nghệ sĩ điện ảnh xem một tác phẩm như một cơ hội kinh doanh. Chỉ xin nhớ một điều rất nhỏ rằng, với một nền nghệ thuật thứ bảy đang tập tành chuyên nghiệp như chúng ta, thì phim tết phải được đề cao như một cơ hội để phim nội chuyển mình. Ngày tết lôi kéo khán giả đến rạp đông đảo gấp bội thường nhật, nếu đây không phải là dịp may để chinh phục những trái tim tha thiết với phim nội, thì sẽ giống như giây phút tiêu diệt tình yêu dành cho phim nội! Vì vậy, khẩn thiết mong những hãng phim nhạy bén hôm nay hãy giúp phim tết phô diễn sức quyến rũ của phim nội, chứ đừng dùng phim tết để phơi bày sự nao núng của phim nội!

LÊ THIẾU NHƠN

Tin cùng chuyên mục