Có quy định hiến mô, tạng từ người chết tim sẽ cứu sống thêm nhiều người bệnh

Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đã có quy định hướng dẫn về chẩn đoán chết não và hiến mô, tạng từ người chết não. Luật Hiến ghép mô tạng năm 2006 cũng đề cập hiến mô, tạng từ người chết não và chưa đề cập hiến mô tạng từ người chết tim.

Có quy định hiến mô, tạng từ người chết tim sẽ cứu sống thêm nhiều người bệnh

Ngày 29-2, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức hội thảo "Hiến mô, tạng từ người chết tim tại Việt Nam" để xin ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia nhằm đề xuất bổ sung chết tim và hiến mô tạng từ người chết tim vào Luật Hiến ghép mô tạng sửa đổi tới đây.

Tại hội thảo, PGS-TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Đức cho biết, thế giới đang tận dụng 2 nguồn tạng hiến là chết tim và chết não để ghép tạng cho người bệnh. Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đã có quy định hướng dẫn về chẩn đoán chết não và hiến mô, tạng từ người chết não. Luật Hiến ghép mô tạng năm 2006 cũng chỉ đề cập hiến mô, tạng từ người chết não và chưa đề cập hiến mô tạng từ người chết tim. Trong khi đó, hơn 10 năm vừa qua, nguồn hiến tạng từ người chết tim được nhiều nước quan tâm và tăng cao. Hơn nữa, nguồn hiến tạng từ người chết tim ở Việt Nam rất nhiều.

z5151689939499-6ed441d82a62766f8a98a3ebc6f3aef5-8373.jpg
Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế, PGS-TS Đồng Văn Hệ cho biết, ở Trung Quốc, hiến tạng từ người chết tim chiếm tỷ lệ cao hơn chết não vì hiện nay hiến mô tạng từ người chết não còn nhiều tranh luận và gia đình người hiến chỉ đồng ý hiến khi tim đã ngừng đập.

“Nếu người chết tim hiến đa tạng được luật chấp nhận sẽ mở rộng nguồn tạng hiến, giúp người bệnh bị suy mô, tạng có thêm hy vọng vượt qua căn bệnh hiểm nghèo và gia tăng tỷ lệ hiến mô, tạng sau chết não và chết tim trên cả nước thời gian tới”, PGS-TS Đồng Văn Hệ nhận định và cho biết thêm, sau vài tiếng chết tim, các chuyên gia sẽ vẫn hồi sức lấy được phổi, thận, gan, tụy, giác mạc, da, xương, mạch máu nên nguồn tạng hiến cũng tương đương như người chết não.

Làm rõ thêm, PGS-TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức cho biết, thời gian qua có khoảng 200 trường hợp đang được hồi sức cấp cứu chết não để chuẩn bị đánh giá chết não hiến tạng tại Bệnh viện Việt Đức thì bị suy tuần hoàn, ngừng tuần hoàn, suy tim. Trong trường hợp này, dù gia đình đã đồng ý hiến tạng, nhưng bệnh nhân không đánh giá được chết não, không thể hiến tạng nên rất lãng phí nguồn tạng hiến.

Do vậy, cần phải có những tiêu chuẩn dự đoán trước nguy cơ ngừng tuần hoàn để chuyển từ chẩn đoán chết não sang chẩn đoán chết tuần hoàn, chết tim. Từ đó, cần phải có phương án tổ chức lấy tạng từ người hiến chết tuần hoàn.

Tin cùng chuyên mục