Công cụ tìm kiếm trực tuyến Việt: Tiếp tay cho… nhạc “nhảm”?

Công cụ tìm kiếm trực tuyến Việt: Tiếp tay cho… nhạc “nhảm”?

Hiện nay, các loại nhạc “nhảm”, nhạc tự chế với nội dung thô thiển, tục tĩu đang tràn lan trên thị trường và được các trang web tìm kiếm trực tuyến Việt… chia sẻ. Sự tiếp tay của các trang web tìm kiếm Việt trong việc chia sẻ loại nhạc này khiến thị trường nhạc nhảm nhí này ngày càng loạn. Thế nhưng, vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào chịu để mắt đến.

Tràn lan nhạc “nhảm”!

Công cụ tìm kiếm trực tuyến Việt: Tiếp tay cho… nhạc “nhảm”? ảnh 1

Trang tamtay.vn

Tại website nghe nhạc “nhanh nhất” Việt Nam (www.nhac.vui.vn) một trang web được phát triển và xây dựng bởi tất cả các thành viên yêu nhạc (theo thông tin riêng mà chúng tôi có được thì trang web này đang dùng phần mềm của một tài năng tin học trẻ có nick là Redphoenix89), có hẳn cả một chuyên mục Nhạc chế với 153 bài hát phần lớn là của tác giả La Thoại Tân  với nhiều bài hát nhảm nhí, gây sốc như: Đời tôi du côn, Cho tôi mượn một ngàn, Bài ca không em số 5, Sư tử Hà Đông, Người chồng yêu quý… Một tác giả có tên Hoài Linh (!?) thì chuyên đi sửa lại lời các bài lý dân gian thành những bài hát nhảm với những “tựa” sặc mùi nhảm nhí như: Lý nói láo, Lý gái hư, Lý bán quán, Bia ôm…

Đáng nói là trên trang web này chứa phần lớn các loại nhạc chế sặc mùi thê lương như: “Đời buồn như nhà tù”, chất chứa  những lời lẽ rên la ỉ ôi: Nằm trong khám lớn, mở cửa ngày hai lần, lấy nước với lấy cơm... Cha con bị tử hình sẽ không về nữa con ơi... Em biết sống làm sao? Chắc em đi làm vũ trường...”.
 
Tại trang thư viện chia sẻ âm nhạc “số 1 Việt Nam” (http:// music.top.vn) được phát triển và điều hành bởi Nouva Group, dù trang này đang trong giai đoạn thử nghiệm để chờ giấy phép ICP của Bộ TT-TT cũng vô tư phát tán loại nhạc quái đản này. Có thể nói trang này như một kho lớn  chứa  nhạc chế nhảm nhí. Nơi đây có cả các loại nhạc chế mà mới nghe “tít” đã phát ớn: Anh đưa em vào phòng, Chia tay với em, Chuyện ăn trộm, Không còn giang hồ, Kiếp ăn xin, Mấy thằng ngu si, Mẹ… Chim đa đa, Tiền cho gái… Thậm chí, ngoài đề mục nhạc chế, website này còn vô tư cung cấp những hình ảnh, video clip hết sức nóng bỏng.
 
Tại mục music của trang tamtay.vn (giấy phép ICP của Bộ Thông tin và Truyền thông số 531/GP-CBC) loại nhạc nhảm này cũng được phát tán mạnh mẽ. Ngoài những bài hát não tình như: Dại gái, Bồ đá… Trang này còn  công khai cung cấp  nhiều bài nhạc chế trong… tù như: Liên khúc nhạc chế trong tù, Nhạc chế trong tù 1, Nhạc chế trong tù 2… và quảng bá “nghe không hay không lấy tiền”!

Trang tìm kiếm Baamboo.vn của Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam cũng cung cấp đầy rẫy nhạc chế. Tìm từ “nhạc chế”, trong vòng 0,7 giây có 487 bài cho phép tải nghe thử. Trang 7sac.com cũng không khác mấy chỉ cần gõ từ “nhạc chế” là kèm theo những bài hát này là các sản phẩm video clip tương ứng…

Công khai… đầu độc giới trẻ

Nhạc “chế” đã từng được nhiều người xem là một quái thai của âm nhạc Việt, thế nhưng loại nhạc với nội dung cực kỳ nhảm nhí  lại rất được không ít giới trẻ ưa chuộng, thậm chí còn học thuộc lòng để nghêu ngao.

Công luận đã từng phản ánh việc các loại nhạc nhảm nhí, tục tĩu đang có tràn lan ngoài thị trường ảnh hưởng mạnh đến đời sống văn hóa và tinh thần của giới trẻ, nhưng vẫn chưa có tác dụng gì. Có người giải thích do sự nghèo nàn về ca từ khiến các nhạc sĩ “ẩn danh” cứ nhặt được bao nhiêu từ thì “nhét” hết vào bài hát của mình.

Chẳng cần hay hoặc dở, chẳng cần nghệ thuật và cũng chẳng cần ảnh hưởng đến xã hội ra sao! Chính vì vậy, những ca khúc cực kỳ nhảm nhí cứ nhan nhản xuất hiện rồi được các nơi ghi âm sản xuất và các trang tìm kiếm Việt “tiếp tay” quảng bá. Có thể nói, dường như chẳng có trang tìm kiếm Việt nào “từ chối” cung cấp nhạc chế.
 
Ông Trần Văn Nhật, chuyên viên Cục Sỡ hữu trí tuệ cho biết: Ai cũng biết đây là những sản phẩm văn hóa độc hại nhưng điều đáng nói, những bài hát này lại rất dễ dàng tìm trên các website Việt do sự tiếp tay của các trang tìm kiếm Việt.

Dù trên các website này có lưu ý: Các file nhạc trên được phần mềm của tự động tìm kiếm các nguồn khác nhau trên Internet. Chúng tôi không có bất kỳ mối liên hệ nào với tác giả cũng như không chịu trách nhiệm về nội dung, tính pháp lý cũng như chất lượng của các file. Tuy nhiên cách lý giải này của các nhà cung cấp dịch vụ khó chấp nhận bởi đây là website có chức năng như một công cụ tìm kiếm, nhưng về mặt trách nhiệm đối với xã hội không ít thì nhiều họ cũng đã tiếp tay cho việc truyền bá âm nhạc trái thuần phong mỹ tục.
 
Theo một chuyên gia quản trị mạng nhận xét: Ở góc độ quản lý, trách nhiệm của những chủ sở hữu và người quản trị website không ngăn chặn những nội dung xấu, mà lại tiếp tay phát tán đến nhiều người là đều đáng trách. Trước đây, website tìm kiếm Việt đã từng có giai đoạn “quảng cáo” rầm rộ cho các web “đen”, nay lại “cung cấp” và phổ biến thêm nhạc chế thì khó chấp nhận được. Việc này là do vô ý hay cố tình để “câu” lượng khách truy cập?.
 

Dư luận cũng đặt câu hỏi, vì sao những bài hát trái thuần phong mỹ tục lại vô tư đến với người nghe từ những website tìm kiếm do Việt Nam quản lý. Mọi người đang lo ngại những “nọc độc” trên các trang web tìm kiếm trực tuyến đang hỗ trợ truy cập Internet đang đầu độc giới trẻ một cách công khai và giết dần sự trong sáng của tiếng Việt. 

Việt Nhân (SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục