
Các báo The Straits Times (Singapore), The Nation (Thái Lan) và Khmer Times (Campuchia) ngày 25-7 đều dẫn bài đăng trên Facebook của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim.
Theo đó, Thủ tướng Anwar Ibrahim cho biết, tối 24-7 đã trao đổi trực tiếp với những người đồng cấp Campuchia và Thái Lan; bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc của Malaysia về tình hình căng thẳng leo thang dọc khu vực biên giới giữa hai nước” Campuchia và Thái Lan.
Theo Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2025, Malaysia đã trực tiếp kêu gọi cả hai nhà lãnh đạo ngừng bắn ngay lập tức để ngăn chặn các hành động thù địch tiếp theo, tạo điều kiện cho đối thoại hòa bình và giải pháp ngoại giao.
Thủ tướng Malaysia khẳng định, sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình đối thoại giữa Campuchia và Thái Lan trên tinh thần đoàn kết và trách nhiệm chung của ASEAN.
Theo số liệu mới nhất từ chính quyền Thái Lan, tính đến trưa 25-7, xung đột dọc biên giới Thái Lan - Campuchia đã làm 14 người chết, 46 người khác bị thương và hơn 110.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa.
Trước tình hình xung đột tiếp tục đang có nguy cơ leo thang, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ nhóm họp ở New York, Mỹ lúc 15 giờ (giờ địa phương) ngày 25-7. Phiên họp kín được triệu tập theo yêu cầu của Thủ tướng Campuchia Hun Manet.
Phó Phát ngôn viên LHQ Farhan Haq cho biết, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã kêu gọi cả hai bên kiềm chế tối đa và giải quyết mọi vấn đề thông qua đàm phán.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch, bảo vệ dân thường và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi giảm leo thang căng thẳng dọc theo khu vực biên giới tranh chấp thông qua đối thoại, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. EU lưu ý rằng bạo lực gần đây đánh dấu tổn thất lớn nhất trong hơn một thập kỷ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bày tỏ quan ngại về tình hình bạo lực dọc biên giới Thái Lan - Campuchia, kêu gọi cả hai bên kiềm chế và tham gia đàm phán để giải quyết tranh chấp.