Thổi hồn cho mảng sách thiếu nhi
Gần đây, JoiKid (một công ty chuyên sản xuất nội dung số dành cho giáo dục và cũng là tên ứng dụng) bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực xuất bản bằng việc phát triển công cụ và phương thức đọc sách hoàn toàn mới. Bible3+ của tác giả Doris Ong, gồm những câu chuyện gần gũi với trẻ, được thể hiện sinh động qua những nét vẽ dễ thương. Điều đặc biệt của Bible3+ là được ứng dụng công nghệ, khiến bộ truyện trở nên hấp dẫn, có thêm nhiều trải nghiệm, qua đó tạo nên sự hứng thú, ham thích đọc sách cho độc giả nhỏ tuổi.
Một trong những tính năng đáng chú ý của ứng dụng JoiKid là Clipbook và thẻ JoiCard. Với tính năng Clipbook, những cuốn sách sẽ được tái tạo theo hình thức 3D, mọi hình vẽ chuyển động bắt mắt, có âm thanh nền và giọng đọc được lồng vào từng trang sách. Quan trọng hơn, trẻ có thể lật sách (tương tự như cách đọc sách truyền thống) và thực hiện nhiều tương tác thú vị, khiến việc tiếp nhận nội dung Clipbook diễn ra hiệu quả và không thụ động như khi xem video YouTube, Tik Tok… Điều đáng nói là những hình ảnh chuyển động vừa đủ để thu hút sự chú ý của các bé, không trở thành một bộ phim hoạt hình mà các em hay xem trên các kênh YouTube. Ngoài ra, mỗi tựa sách Clipbook còn đi kèm với thẻ sách thông minh JoiCard với một mã QR riêng. Khi quét mã QR, các em có thể tải về phiên bản sách vật lý truyền thống đã được số hóa và thể hiện bằng những hình ảnh hoạt họa sinh động. Nhờ đó, trẻ có thể tương tác linh hoạt giữa các định dạng nội dung và hứng thú hơn trong việc xây dựng thư viện sách của riêng mình.
Theo ông Nguyễn Đình Bảo, CEO và người sáng lập JoiKid, thực tế là sách giấy đang rất khó khăn trong việc cạnh tranh với các hình thức giải trí khác. “Áp dụng công nghệ tiên tiến vào sách, giúp kéo các bé lại gần với cuộc sống thực tế, hơn là suốt ngày ở trên mạng”, ông Nguyễn Đình Bảo cho biết. Ngoài bộ truyện tranh Bible3+, hiện tại JoiKid đang trong quá trình hoàn thiện bộ truyện Nhóc Thạch Sanh của nhóm tác giả Tống Tất Tuệ - Long Huỳnh, một bộ truyện vui nhộn nhằm lan tỏa tình yêu sử Việt, từng tạo được tiếng vang do NXB Trẻ phát hành vào năm 2016, nay tái xuất dưới một diện mạo hoàn toàn mới bằng công nghệ Clipbook và thẻ thông minh JoiCard.
“Đối thủ” của sách giả
Ứng dụng JoiKid còn giới thiệu đến độc giả công nghệ Spark AR. Độc giả chỉ cần thực hiện thao tác đơn giản là đưa camera smartphone lên bìa hoặc tranh minh họa sách (không cần cài đặt ứng dụng mới), những hình ảnh này sẽ “nhảy múa” và diễn hoạt hết sức thú vị. Công nghệ Spark ar còn có thể hỗ trợ cho công tác kiểm soát số lượng sách, kênh bán sách và tốc độ tiêu thụ sách. Nhờ đó có thể giúp cho các công ty sách, NXB hạn chế nạn sách giả, sách lậu bằng cách vô hiệu hóa hoàn toàn hiệu ứng Spark AR trên sách giả.
“Nếu sách thật, khi scan sẽ hiện lên những hình ảnh sống động, từ đó hình thành thói quen mới cho các bé và phụ huynh: khi có sách, các bé sẽ tự động scan để được tương tác và trải nghiệm với những hiệu ứng đi kèm như tích điểm, nhận quà… Khi số lượng người scan nhiều thì khả năng chung tay chống sách giả mới chính xác và hiệu quả được”, ông Nguyễn Đình Bảo nói.
Mới đây, Công ty Sách Anbooks cũng vừa giới thiệu ứng dụng Reading Code mà theo bà Ngô Phương Thảo, Giám đốc công ty, là có thể giải quyết triệt để bài toán chống sách giả. Tuy nhiên, theo bà Thảo, về mặt công nghệ ứng dụng này không phải là một công nghệ quá phức tạp, cho nên chuyện bắt chước là việc không thể kiểm soát. Nhưng cơ chế của ứng dụng Reading Code là giao quyền quản lý cho từng NXB, nên NXB là đơn vị nắm rõ nhất đường đi từng cuốn sách của mình. Và khi xuất hiện 2-3 lần quét trên một mã thì NXB sẽ lập tức khóa. Bà Ngô Phương Thảo lý giải: “Với Reading Code, chúng tôi trao sự chủ động cho các NXB. Và với công nghệ trong tay, NXB có thể cập nhật thêm nội dung, có thể xác nhận sát thực, còn người khác không thể xác nhận sát thực vì nó dựa trên tem của NXB. Định danh từng cuốn sách và cuốn khác không phải của mình thì không được định danh. Lúc đó, các đơn vị làm giả phải làm qua một đường dẫn khác, đó lại không phải là đường dẫn của NXB”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tỷ lệ người đọc có thói quen dùng QR code khi mua sách chưa nhiều. Điều này đòi hỏi các đơn vị trong nước cần tích cực hơn nữa để quảng bá, qua đó hình thành và phát triển thói quen này ở độc giả. Ngoài ra, các NXB phải tạo ra những nội dung thú vị, hay là những ưu đãi bên trong QR code, để kích hoạt và khuyến khích người đọc sử dụng, hưởng thụ những ưu đãi đó. Bởi người đọc không có trách nhiệm phải bảo vệ cuốn sách cho NXB, nhưng họ có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của họ bên trong QR code đó.