Công trình xây không phép ngang nhiên tồn tại

Hai công trình xây dựng không phép có quy mô hơn 4.000m² “mọc” ngay mặt tiền đường Dương Công Khi (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TPHCM) trong thời gian dài, nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng không biết!
Công trình không phép của ông Phạm Hữu Phước
Công trình không phép của ông Phạm Hữu Phước

Đến khi công trình xây lên cao, địa phương mới phát hiện và lập 16 biên bản vi phạm, ban hành 8 văn bản (trong đó có văn bản yêu cầu chủ đầu tư ngưng thi công) nhưng điều lạ là sau đó công trình vi phạm vẫn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các hạng mục còn lại và tồn tại đến nay.

Xử lý thiếu quyết liệt

Hai thửa đất 75 và 522 tờ bản đồ số 9, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn thuộc quy hoạch khu dân cư hiện hữu và đang bị Thanh tra TPHCM thanh tra về quá trình chuyển mục đích sử dụng đất, thế nhưng ông Phạm Hữu Phước (ngụ xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) lại bất chấp quy định, cho xây dựng 2 công trình (dạng nhà xưởng sản xuất) có tổng diện tích 4.124,72m2. Cả 2 công trình này đều không có giấy phép xây dựng. Một số hộ dân sống gần đấy cho biết, công trình bắt đầu thi công từ giữa tháng 7-2018. Thế nhưng, đến ngày 10-8, UBND xã Xuân Thới Sơn mới phát hiện, lập biên bản. Thời điểm này, 2 công trình đã xây xong phần móng, tường xây cao 1,5m, bên trên cột - đà sắt được lắp dựng. Các hạng mục như mái nhà, tường bao, cửa… vẫn đang thi công dang dở. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khoảng thời gian 12 ngày (từ ngày 11 đến 23-8), UBND huyện Hóc Môn và UBND xã Xuân Thới Sơn đã có đến 5 cuộc họp, lập 16 biên bản vi phạm, ban hành 8 văn bản, trong đó có văn bản của UBND huyện Hóc Môn yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công. Chính quyền họp, ban hành nhiều văn bản vậy, nhưng trên thực tế việc thi công công trình xây dựng không phép vẫn cứ diễn ra (!?). Đến ngày 24-8, chủ đầu tư tiếp tục cho thi công công trình và làm xong phần mái. Điều khó hiểu là chính quyền địa phương vẫn không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm.  

Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP vào sáng 5-9, 2 công trình trái phép có quy mô hàng ngàn mét vuông của ông Phạm Hữu Phước đã xây dựng xong, ngang nhiên tồn tại. 

Địa phương đã làm đúng trách nhiệm?

Chúng tôi liên hệ với UBND xã Xuân Thới Sơn, được ông Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Xã phát hiện công trình xây dựng không phép của ông Phạm Hữu Phước và lập biên bản vi phạm vào ngày 9-8. Theo quy định, xã chỉ có quyền ra quyết định xử phạt hành chính và cưỡng chế, còn quyết định yêu cầu ngưng thi công công trình không thuộc thẩm quyền. Do đó, một ngày sau khi phát hiện vi phạm, tức ngày 10-8, xã đã báo cáo vụ việc lên Thường trực UBND huyện để có biện pháp xử lý, ngăn chặn công trình không phép tiếp tục thi công. Như vậy có thể khẳng định xã đã làm hết trách nhiệm”. 

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề 2 công trình xây dựng trái phép có quy mô hơn 4.000m², thi công trong thời gian dài, nhưng đến khi sắp hoàn thành xã mới phát hiện, vậy địa phương có làm hết trách nhiệm hay không, thì ông Liêm cho rằng: “Công trình không phép họ làm nhanh lắm, có khi chỉ trong một tuần”. 

Ông Huỳnh Văn Hồng Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết huyện đang lập hồ sơ xử lý 2 công trình xây dựng không phép nói trên, đồng thời rà soát lại quy trình xử lý vi phạm của các đơn vị liên quan, nếu phát hiện có thiếu sót, sai phạm của cá nhân, tổ chức liên quan sẽ xử lý nghiêm. 

Theo ông Ngọc, công trình không phép của ông Phước được xây dựng trên đất ở nông thôn. Căn cứ theo Nghị đinh 139, sau khi chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm, ban hành quyết định yêu cầu chủ đầu tư ngưng thi công, trong thời gian 60 ngày, chủ đầu tư có quyền bổ túc hồ sơ, xin cấp phép xây dựng. Hết thời hạn quy định, nếu người vi phạm không xuất trình được giấy phép xây dựng thì sẽ bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình. Trường hợp chủ đầu tư cố tình không chấp hành, chính quyền địa phương sẽ cưỡng chế. 

Rõ ràng, qua vụ việc 2 công trình không phép nêu trên cho thấy có sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của địa phương. Nếu vi phạm này không xử lý nghiêm, tình trạng xây dựng không phép có thể sẽ tiếp tục phát sinh trên địa bàn huyện Hóc Môn.

Một người dân có nhà gần công trình sai phạm (xin giấu tên) nói: “Khi công trình đào móng, chúng tôi thấy có cán bộ đô thị, thanh tra xây dựng đến kiểm tra, ghi chép. Lúc đó không hiểu sao họ không chặn ngay, khi công trình lên cao mới lập biên bản, đến giờ vẫn không thấy cưỡng chế. Chủ đầu tư là ai mà lộng hành đến vậy”. Người dân đề nghị huyện Hóc Môn cần kiểm tra, làm rõ có hay không việc lãnh đạo, cán bộ địa phương bảo kê, bao che để công trình xây dựng không phép phát sinh, tồn tại.

Tin cùng chuyên mục