Cư dân thành thị gia tăng bệnh bướu cổ

Không chỉ có người dân vùng sâu vùng xa bị thiếu hụt muối iốt dẫn tới bướu cổ mà ngay cả người dân ở các đô thị lớn cũng đang phải đối mặt với căn bệnh này khi số người mắc có chiều hướng gia tăng. Chương trình phòng chống bướu cổ đang bị lãng quên.

Không chỉ có người dân vùng sâu vùng xa bị thiếu hụt muối iốt dẫn tới bướu cổ mà ngay cả người dân ở các đô thị lớn cũng đang phải đối mặt với căn bệnh này khi số người mắc có chiều hướng gia tăng. Chương trình phòng chống bướu cổ đang bị lãng quên.

Chị Nguyễn Thị Minh (54 tuổi), ở Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, ban đầu tưởng bị viêm họng vì thấy khó thở lúc ngủ và khó nuốt nhưng uống thuốc mãi cũng không đỡ. Chỉ sau khi chị vào bệnh viện siêu âm và xét nghiệm mới phát hiện ra bướu cổ và phải nằm điều trị ở đây để chờ phẫu thuật. TS Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, cho biết, lâu nay nhiều người vẫn cứ nghĩ, bệnh bướu cổ chỉ xảy ra với người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng thực tế cho thấy, không ít người dân Hà Nội cũng mắc bệnh này dù ăn uống đầy đủ.

Trong Khoa nội 1, Bệnh viện Nội tiết trung ương, nơi điều trị cho bệnh nhân bướu cổ, các giường bệnh đều chật kín bệnh nhân, thậm chí có giường còn phải nằm ghép. Các bác sĩ ở đây cho biết, trong số hơn 50 bệnh nhân bướu cổ đang điều trị ở khoa, gần một nửa là người dân ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, điều tra cấp quốc gia tại Hà Nội mới đây nhất cho thấy, độ bao phủ muối iốt đạt tiêu chuẩn phòng bệnh rất thấp chỉ đạt 25,6%, trong khi quy định là trên 90%. Mặc dù các sản phẩm bột canh iốt, muối iốt được người dân Hà Nội sử dụng nhiều nhưng kết quả giám sát chất lượng muối iốt tại Hà Nội lại cho thấy, ở các hộ gia đình chỉ có 11% mẫu muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh, tại các điểm bán lẻ là 7% và tại các cơ sở sản xuất muối là 22%. Điều này cho thấy, các sản phẩm như muối, bột canh, nước mắm… được quảng cáo là có bổ sung thêm iốt không bảo đảm và thiếu sự kiểm soát chất lượng.

TS Nguyễn Văn Tiến cho biết, năm 2005 Việt Nam đã chính thức công bố thanh toán bệnh bướu cổ, với tỷ lệ độ bao phủ muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh lên trên 93,2% dân số. Tuy nhiên sau thành công này, chương trình quốc gia về phòng chống bướu cổ được chuyển sang thành hoạt động thường quy của ngành y tế và khiến sự đầu tư về nhân lực, vật lực của Nhà nước cho hoạt động phòng chống thiếu hụt muối iốt bị cắt giảm mạnh từ cấp trung ương đến địa phương. Nhiều tỉnh thành như Hưng Yên, Hải Dương… đã không còn bố trí kinh phí cho công tác phòng chống thiếu hụt iốt, một số địa phương khác chỉ bố trí một lượng kinh phí ít ỏi cho công tác này.

 Cán bộ làm công tác phòng chống thiếu hụt iốt ở nhiều địa phương xin thôi việc hoặc chuyển sang công tác khác, hoạt động chuyên môn về phòng chống thiếu hụt iốt có nguy cơ tan rã hệ thống. Cùng với đó là tâm lý chủ quan của người dân, cũng như các đơn vị chức năng có liên quan. Khảo sát mới đây của bệnh viện với trên 4.500 người dân, có tới hơn 60% số người được hỏi chỉ biết một tác hại do thiếu iốt gây ra, đó là bướu cổ. Rất nhiều người trong số này cũng cho rằng, việc sử dụng các loại bột canh, hạt nêm thay thế hoàn toàn muối iốt hoặc các chế phẩm từ iốt vẫn có thể phòng chống được bướu cổ…

QUỐC KHÁNH

Tin cùng chuyên mục