Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế): Bệnh viện để xảy ra sự cố y khoa trước tiên phải xin lỗi

Sáng 26-5, Báo Tiền Phong phối hợp với Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức Hội thảo “Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?”. Tham dự có PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cùng đại diện nhiều lãnh đạo bệnh viện trên địa bàn thành phố. 

BS CK2 Bùi Nguyễn Thành Long, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TPHCM cho biết, sự cố y khoa là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới.

Tại Việt Nam, sự cố y khoa gây ra nỗi đau cho nhiều gia đình, cơ sở y tế. Sự cố y khoa được phân thành 3 nhóm: Theo mức độ tổn thương, theo nhóm nguyên nhân và theo nhóm sự cố. Sai sót trong sự cố y khoa đến từ lỗi do cá nhân chiếm 30%, lỗi do hệ thống (quản trị, giám sát) chiếm đến 70%.

Trước những tác hại to lớn của sự cố y khoa, bác sĩ Bùi Nguyễn Thành Long cho rằng, cần có quy trình giám sát, kiểm tra, nhắc nhở tối ưu. Càng có nhiều hàng rào giám sát thì càng ít sự cố y khoa xảy ra. Không nên định kiến với những sai sót, sự cố y khoa không mong muốn và giúp các đồng nghiệp ngành y không lặp lại sai sót đó.

Đồng quan điểm, TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ cho rằng, các sự cố y khoa có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình tương tác giữa nhân viên y tế với người bệnh.

Trong đó, có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến các sự cố y khoa: Chẩn đoán chậm trễ; thiếu trang thiết bị, nhân lực phù hợp; thất bại trong thời gian theo dõi; tác hại do dùng quá nhiều loại thuốc; nhiễm trùng bệnh viện; phẫu thuật sai vị trí; thiếu trang thiết bị; sự cố do môi trường tương tác.... Thậm chí, một sự cố mất điện đột ngột cũng có thể dẫn đến sự cố y khoa.

Báo động về các sự cố y khoa xảy ra trong lĩnh vực thẩm mỹ thời gian gần đây, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW cho biết, nhiều trường hợp không phải y, bác sĩ, không có trình độ y khoa nhưng tự ý tổ chức phẫu thuật nâng mũi, nâng ngực, tiêm filler… gây ra những tai biến, sự cố y khoa đáng tiếc, thậm chí đã có trường hợp người bệnh tử vong.

Trong 3 năm gần đây, Bệnh viện Thẩm mỹ JW đã tiếp nhận khoảng 511 ca bệnh nhân đến điều trị vì biến chứng trong thẩm mỹ. Trong đó phần lớn biến chứng từ tình trạng người dân đi làm đẹp ở cơ sở thẩm mỹ “chui”.

“Tuy sự cố y khoa gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân nhưng chế tài pháp luật hiện nay quá nhẹ với các trường hợp thẩm mỹ “chui”, tự ý dùng dao kéo can thiệp vào cơ thể của con người khi không có chuyên môn. Để xử lý triệt để vấn đề thẩm mỹ chui, pháp luật cần nghiêm khắc hơn, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp này. Bên cạnh đó, những người đứng đầu các cơ sở làm đẹp, spa phải đặt cái tâm, đạo đức vào công việc, tránh vì lợi nhuận mà làm liều gây hại đến bệnh nhân. Cơ quan truyền thông cần tuyên truyền định hướng người dân thẩm mỹ an toàn”, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung khuyến cáo.

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế): Bệnh viện để xảy ra sự cố y khoa trước tiên phải xin lỗi ảnh 1 PGS-TS Lương Ngọc Khuê phát biểu tại hội thảo
Còn PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có 90% số cơ sở khám chữa bệnh là khu vực công với hệ thống 1.400 bệnh viện, 500.000 bác sĩ, điều dưỡng… để khám chữa bệnh cho gần 100 triệu dân. Trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải thay đổi tư duy, lấy người bệnh làm trung tâm. Trong đó người bệnh, gia đình người bệnh được hướng dẫn, hỗ trợ đưa ra các quyết định và tham gia chăm sóc cho chính họ.

“Sự cố y khoa là rất nhiều, không chỉ xảy ra trong lĩnh vực phẫu thuật mà còn ở việc cấp thuốc, thiết bị… Khi xảy ra sự cố y khoa, bệnh viện tư dễ "sập tiệm", bệnh viện công mang tai tiếng. Do đó, lãnh đạo các bệnh viện cần thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, Cục Khám chữa bệnh để tránh sự cố y khoa. Nếu xảy ra sự cố y khoa thì bình tĩnh, nhìn thẳng vào sự thật và công khai xin lỗi bệnh nhân”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê thông tin.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói thêm: "Khi xảy ra sự cố y khoa thì phòng Công tác xã hội của các bệnh viện phải là đầu mối giúp hòa giải giữa gia đình bệnh nhân với bệnh viện. Ở Việt Nam, sự cố y khoa chưa biết đúng sai nhưng xảy ra ở bệnh viện mình thì bệnh viện phải xin lỗi trước đã. Mức độ đúng sai tới đâu sẽ thành lập hội đồng y khoa giám định sẽ xử lý sau. Sự cố là điều không ai mong muốn nên cũng cần phải chia sẻ với thầy thuốc, bệnh viện để họ an tâm khi hành nghề, chứ không phải bỏ nghề sau sự cố y khoa".

Tin cùng chuyên mục