Sống tối giản, siết chặt chi tiêu
Sau tết, dịch bệnh ập đến bất ngờ, vợ chồng chị Kim, anh Tùng buộc phải ở nhà. Cả hai vợ chồng đều bị đứt lương, không kịp trở tay nên lo méo mặt. Không làm ra tiền, lại còn khoản vay ngân hàng mua căn hộ, anh chị như ngồi trên lửa.
Không chịu ngồi yên, anh Tùng bàn với vợ lên “chiến lược” kinh doanh, mua bán qua mạng xã hội. Anh chị lấy trái cây từ dưới quê lên với số lượng lớn rồi rao bán trên Facebook cá nhân: “Cam sành mọng nước 70.000 đồng/3kg, xoài cát Hòa Lộc 115.000 đồng/3kg, bơ 034 giá 60.000đ/kg, khoai lang mật 30.000 đồng/kg…”.
Với một số mặt hàng trái cây, giá cả vừa phải như vậy, anh chị đăng tải kèm hình ảnh. Khách hàng là bạn bè, người quen đặt hàng, chị Kim ở nhà cân ký bỏ vào túi để sẵn, còn chồng giao hàng tận nơi.
“Dù khó khăn, nhà tui vẫn qua được thời gian đầu là nhờ có chút tiền dành dụm, rồi chịu khó buôn bán thêm trái cây. Vì còn khoản vay ngân hàng hơi nặng nên phải tính kỹ. Gia đình tôi rất tiết kiệm, mua thức ăn dưới quê rẻ hơn mang lên đây trữ đông ăn dần. Ăn cũng ít hơn bình thường. Với chiến lược sống tối giản, siết chặt chi tiêu, cắt hết khoản mua sắm áo quần, vui chơi giải trí, ăn uống bên ngoài thì mỗi tháng tiết kiệm được kha khá chi phí so với thời gian trước”, chị Kim kể.
Đều là lao động làm thuê tự do, làm tuần nào nhận lương tuần đó, mấy tháng vừa qua thật sự khó khăn với vợ chồng anh Đặng Văn Hiền (42 tuổi), chị Ngô Thị Thanh Tâm (37 tuổi, ở trọ tại khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TPHCM). Thất nghiệp không lương, không tiền tích góp, áp lực tiền nhà trọ khiến gia đình chị nhiều ngày rơi vào trạng thái căng thẳng.
“May mắn trong những ngày cách ly xã hội, gia đình chị được chủ trọ miễn đóng tiền tháng 4. Riêng về phần ăn uống sinh hoạt trong gia đình, chị cho biết chỉ nấu thức ăn một lần để cho 2 ngày ăn, không dám ăn nhiều. Tuy nhiên, việc ở nhà cùng nhau trong thời gian dài cũng khiến anh chị xảy ra vài mâu thuẫn.
Chị Tâm kể lại: “Chồng tui mấy lúc có cằn nhằn vì không kiếm được tiền, sinh hoạt gia đình không được tươm tất, ăn uống thiếu thốn. Chuyện này là tất nhiên thôi nên mình ráng nhịn. Từ tháng 4 này, anh ấy gia nhập đội giao hàng công nghệ kiếm thêm đồng vô đồng ra. Còn tui ở nhà lo cho đám nhỏ”.
Thấu hiểu, sống chậm
Dịch bệnh, phải thực hiện cách ly xã hội trong gần cả tháng là điều không hề dễ dàng, nhất là với các cặp vợ chồng sống chung nhà ba mẹ. Làm việc tại nhà, thất nghiệp đột ngột, phải chăm sóc trẻ, cuộc sống bó hẹp trong một không gian nhỏ với rất nhiều nỗi lo toan cơm, áo, gạo, tiền đè nặng đã nhen nhóm sự căng thẳng ở rất nhiều gia đình. Đã có không ít người cảm thấy như mình đang phải chịu đựng, cho rằng nửa kia không hiểu mình.
Gần tháng cách ly, ngày nào cũng lo chuyện ăn uống, nấu nướng, chăm lo các con cùng mẹ chồng, chị Võ Thị Thùy Dung (35 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) than thở mệt mỏi vì mẹ chồng can thiệp vào mọi khâu, còn chồng bận làm việc qua mạng không hỗ trợ vợ được gì. Mâu thuẫn, bực bội kéo dài, chị có chia sẻ vài điều không như ý trên Facebook cá nhân, tạo ra những mâu thuẫn không đáng có với chồng. Chị dành quá nhiều thời gian để phàn nàn, cằn nhằn chồng, thay vì nghiêm túc chia sẻ với anh để giải quyết vấn đề.
“Thời gian nhà em trồng thêm rau xanh, nuôi gà lấy trứng… Bữa ăn 0 đồng, rau củ tự cung tự cấp vẫn đầy đủ dinh dưỡng”; “Ở nhà làm bánh ngon bổ rẻ mà chồng con vẫn ăn sạch nhé”…
Khác với chị Dung, những ngày cách ly xã hội, chị Trần Thị Hòa (42 tuổi, quận 9, TPHCM) hào hứng “khoe” trên Facebook cá nhân những bữa cơm gia đình thơm ngon và gọi vui là “bữa cơm 0 đồng”.
Những ngày thông tin dịch bệnh diễn biến phức tạp, công việc cả hai vợ chồng ảnh hưởng, thu nhập sụt giảm, nhưng không giống nhiều người lo dự trữ thực phẩm, vợ chồng chị cố gắng trồng rau, tận dụng khả năng tự cung tự cấp và xoay xở mọi thứ trong phạm vi nhẹ nhàng. Hơn hết là tận dụng những ngày ở nhà cùng nhau, chị dành thời gian chăm chút cho chồng con từng bữa ăn, sáng tối đủ đầy.
“Biết bao người không có nhà ở, mất việc, vay nợ, trả lãi, cơm không có ăn nên cứ nghĩ nhà mình vẫn đủ sinh hoạt là may mắn lắm rồi. Lâu nay công việc cứ cuốn hai vợ chồng đi miết, muốn làm mấy món bánh cho chồng con ăn cũng không có thời gian. Giờ mới có đủ rảnh rỗi thể hiện nhiều tài lẻ, trổ tài đãi cả nhà nhiều món ngon. Chồng trước hay nhậu nhẹt, giờ bớt rồi. Ở nhà với nhau miết, cũng có lúc không vừa ý vài thứ, nhưng chúng tôi không sa đà tranh cãi vô ích. Xoay xở làm việc tại nhà, tính toán chi tiêu đủ khiến hai vợ chồng bận rộn. Không ăn nhà hàng, không du lịch, không xem phim rạp…, nhiều thứ thiếu hụt nhưng đây có lẽ là những ngày sống chậm ý nghĩa với chúng tôi”, chị Hòa chia sẻ.
Thời gian đối mặt với dịch bệnh có thể sẽ gia tăng mâu thuẫn, tạo năng lượng tiêu cực, nhưng nếu nhìn ở mặt tích cực sẽ khiến mối quan hệ vợ chồng gắn kết hơn. Dù còn đó khó khăn, nhưng nếu biết đồng vợ đồng chồng, biết cùng xoay xở, chia sẻ trách nhiệm sẽ vun đắp hạnh phúc gia đình nhiều hơn.