Cuối năm 2021, Việt Nam chủ động được vaccine ngừa Covid-19

Tới đây, khi vaccine về nhiều hơn, sẽ đẩy mạnh tốc độ tiêm. Dự kiến mỗi ngày có thể tiêm tối đa 2 triệu mũi với sự vào cuộc của cả Bộ Công an, Quốc phòng.
Họp báo Chính phủ tối 11-8
Họp báo Chính phủ tối 11-8

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tối 11-8, trả lời về tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện cả nước đã tiêm 11,4 triệu trên tổng số 18 triệu liều đã cấp, chiếm khoảng 65%.

Riêng tại TPHCM, đã cấp hơn 4 triệu liều, hiện đã tiêm trên 3,5 triệu liều, chiếm hơn 88%. Trong ngày 12-8, TPHCM sẽ tiêm hết số vaccine được cấp và tiến hành tiêm số vaccine khác đã có. Hà Nội được cấp hơn 2,9 triệu, đã tiêm 1,5 triệu, chiếm khoảng hơn 50%; Hà Nội cũng sẽ tăng tốc tiêm trong những ngày tới.

Để tăng tiến độ tiêm, Bộ Y tế đã hướng dẫn cụ thể các tỉnh thành, đẩy nhanh tiến độ, không được để tồn vaccine trong khi các tỉnh, thành khác không có, nếu không tiêm hết sẽ chuyển cho nơi khác.

“Quan điểm của Bộ Y tế là tiêm nhanh nhưng phải an toàn, tiêm mũi nào chắc mũi đó. Tới đây, khi vaccine về nhiều hơn sẽ đẩy mạnh tốc độ tiêm. Dự kiến mỗi ngày có thể tiêm tối đa 2 triệu mũi/ngày với sự vào cuộc của cả Bộ Công an, Quốc phòng”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.

Trả lời câu hỏi hiện có hiện tượng quá tải trong điều trị F0 ở các bệnh viện ở TPHCM nay không, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay, ngay từ sớm, Bộ Y tế đã bàn với TPHCM chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra, cả về con người, cơ sở vật chất, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nhưng hiện tại có tình trạng quá tải ở TPHCM và một số tỉnh thành phía Nam.

“Dù đã phân tầng điều trị nhưng có một số trường hợp quá lo lắng đã chuyển ngay đến tầng 3 - nơi điều trị bệnh nhân nặng, trong khi đó có thể điều trị ở bệnh viện dã chiến, tuyến huyện. Do đó, vấn đề hiện nay là phân tầng đúng với bệnh nhân, bảo đảm tầng 3 chỉ dành cho bệnh nhân nặng. Phân tầng đúng là điều rất quan trọng trong bảo đảm hiệu quả điều trị hiện nay, tất nhiên không được để chậm trễ trong cứu chữa bệnh nhân”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Ông Trần Văn Thuấn cũng cho biết, hiện các tỉnh phía Nam có 141 bệnh viện dã chiến và nhiều trung tâm hồi sức cấp cứu, riêng tại TPHCM có 5 trung tâm hồi sức cấp cứu của Bộ Y tế phối hợp với TPHCM.

Bên lề họp báo, trả lời PV SGGP về tiến độ cấp phép cho vaccine do Việt Nam sản xuất, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định, Bộ Y tế thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính, nhưng phải đảm bảo chặt chẽ theo quy định và thẩm quyền.

“Với tiến độ hiện nay, đến cuối năm nay, Việt Nam sẽ chủ động được vaccine nhờ nguồn vaccine sản xuất trong nước”, Thứ trưởng khẳng định. Dự kiến, vaccine Nanocovax sẽ được cấp phép khẩn cấp trong thời gian sớm.

Về việc giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, 16 ngân hàng thương mại đã cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm lãi suất cho vay, với tổng cộng khoảng 20.300 tỷ đồng; bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước sẽ giảm mỗi ngân hàng 1.000 tỷ đồng lãi suất cho những địa phương đang gặp khó khăn hiện nay như TPHCM, Bình Dương. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu chính sách lãi suất ngân hàng tới đây.

Về gói hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, các chính sách của năm 2020 được Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện là gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm các khoản thuế phí, lệ phí. Dự kiến trong năm 2021, khoản hỗ trợ  là 118.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định một số giải pháp.

Cụ thể, Chính phủ tới đây sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở cuộc họp gần nhất về gói chính sách thuế, phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. Gồm tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hộ kinh doanh có quy mô vừa và nhỏ, dự kiến có doanh thu dưới 200 tỷ đồng; giảm các loại thuế phải nộp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh hàng quán với mọi hình thức khai nộp thuế, dự kiến sẽ giảm 50%; giảm thuế VAT đối với các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng (giao thông, dịch vụ, vận tải); chậm nộp thuế cho các hộ kinh doanh khó khăn giảm tiền thuê đất… Tổng kinh phí của gói chính sách này khoảng trên 20.000 tỷ đồng.

Hiện nay hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán HOSE đã thông suốt, ổn định. Các nhà đầu tư rất quan tâm việc bao giờ thì có thể thực hiện giao dịch lô 10 để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư?

Trả lời, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay, Bộ Tài chính đã có chỉ đạo đối với việc triển khai các giải pháp để sớm nhất trong tháng 8 có thể quay lại lô giao dịch 10 trước khi tăng lô lên. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở TPHCM, nơi Sở Giao dịch Chứng khoán đóng trụ sở, rất căng thẳng. Ngay chính Sở Giao dịch Chứng khoán cũng có F0 nên việc triển khai test hệ thống rồi giao dịch chuyển thử có khả năng chậm lại.

“Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để khi tình hình dịch bệnh ở TPHCM cũng như ở Sở giao dịch chứng khoán TPHCM cho phép thì ngay lập tức hoạt động trở lại. Hy vọng với tiến độ kiểm soát dịch bệnh ở TPHCM, chúng ta có thể trở lại trong tháng 8 này”, Thứ trưởng nói.

Về vấn đề bảo đảm hàng hóa lưu thông ở các địa phương có dịch, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Duy Lâm cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa, Bộ GTVT đã có các văn bản gửi UBND các địa phương, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tại các địa phương thực hiện đồng loạt một số giải pháp chủ yếu để tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.

Theo đó, không thực hiện kiểm tra tại các chốt kiểm soát, trên tất cả các tuyến đường đối với các phương tiện đã được cấp mã QR do ngành giao thông cấp. Phương tiện vận chuyển hàng hóa nào chưa được cấp mã QR, lái xe phải trình giấy xét nghiệm kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 còn hiệu lực trong 72 tiếng. Chỉ thực hiện hậu kiểm tại các điểm bốc xếp hàng hóa và đề nghị các địa phương cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định này.

Bộ GT-VT cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương xem xét ưu tiên tiêm vaccine phòng, chống Covid-19 cho đội ngũ lái xe vận tải, các phụ xe, công nhân bốc xếp hàng hóa.

Bộ GTVT cũng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị chuyên ngành của Bộ công bố đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong việc lưu thông hàng hóa.

Tin cùng chuyên mục