Cựu chủ tịch Oceanbank “dính” thêm tội tham ô tài sản

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung “đại án” kinh tế, tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank). 
Qua điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT làm rõ thêm nhiều vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Oceanbank và các đơn vị liên quan.
Trong số các bị can trong vụ án này, bị can Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Oceanbank) bị truy cứu thêm tội danh “Tham ô tài sản” số tiền hơn 49 tỷ đồng và tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” số tiền hơn 197 tỷ đồng.
Như vậy, bị can Hà Văn Thắm bị đề nghị truy tố các tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” và “Tham ô tài sản”.
Cựu chủ tịch Oceanbank “dính” thêm tội tham ô tài sản ảnh 1Hà Văn Thắm tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tại Oceanbank tháng 3-2017
Cùng với đó, bị can Nguyễn Xuân Sơn (cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN, cựu Tổng Giám đốc Oceanbank) cũng bị truy tố tội danh “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Qua điều tra, Cơ quan tố tụng xác định, từ tháng 1-2011 đến tháng 6-2014, bị can Nguyễn Xuân Sơn đã nhận số tiền 246 tỷ đồng từ Oceanbank rồi chiếm đoạt số tiền này.
Trong việc chiếm đoạt 246 tỷ đồng, Cơ quan CSĐT xác định bị can Nguyễn Xuân Sơn đã tham ô hơn 49 tỷ đồng và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt hơn 197 tỷ đồng. 
Về việc chi 246 tỷ đồng từ Oceabank cho Sơn, Hà Văn Thắm khai đã có thỏa thuận với Nguyễn Xuân Sơn để chi lãi ngoài hợp đồng cho các khách hàng thuộc nhóm dầu khí. Còn việc sử dụng số tiền này như thế nào, Thắm không hay biết.
Trong khi đó, quá trình điều tra, Nguyễn Xuân Sơn khai tháng 12-2008, khi giữ chức Tổng giám đốc Oceanbank đã đề nghị Hà Văn Thắm để PVN gửi tiền tại Oceanbank. Nhưng để PVN gửi tiền thì Oceanbank phải chi lãi ngoài hợp đồng.
Mặc dù Sơn không nói cụ thể số tiền chi ngoài hợp đồng là bao nhiêu nhưng căn cứ vào số dư tiền gửi của PVN để Oceanbank tính toán số tiền phải chi ngoài.
Cơ quan tố tụng chỉ xác định trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến tháng 6-2014, tổng số tiền Sơn nhận lãi ngoài do Oceanbank chi là khoảng 200 tỷ đồng.
Số tiền này, Sơn khai chuyển cho Ninh Văn Quỳnh (cựu Kế toán trưởng của PVN) khoảng 120 tỷ đồng. Số tiền còn lại, Sơn sử dụng cho mục đích cá nhân.
Đối với hành vi tham ô tài sản và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Hà Văn Thắm bị cáo buộc với vai trò đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn.
Kết luận điều tra bổ sung cũng làm rõ từ năm 2011 đến năm 2014 đã có hàng ngàn cá nhân và hàng trăm tổ chức gửi tiền tại Oceanbank và nhận các khoản chi ngoài lãi suất.
Trong số đó có nhiều khách hàng có số tiền gửi lớn là các tổ chức kinh tế thuộc doanh nghiệp có vốn Nhà nước, trong đó chủ yếu là nhóm khách hàng thuộc PVN và Vinashin, có dấu hiệu móc ngoặc với lãnh đạo, nhân viên Oceanbank nhận các khoản tiền lãi ngoài, để ngoài sổ sách kế toán nhằm hưởng lợi bất chính.
Tài liệu của cơ quan điều tra xác định ngoài 392 tổ chức kinh tế gửi tiền và nhận tiền chi lãi ngoài của Oceanbank, còn có 12 tổ chức kinh tế nhận tiền chi lãi ngoài trực tiếp từ Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank) và Nguyễn Thị Minh Phương (nguyên Phó Tổng giám đốc Oceanbank).
Quá trình điều tra mới có 103 tổ chức kinh tế đã nộp lại tiền vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan CSĐT, tổng số tiền hơn 28,1 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục