Đã bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.

Báo cáo nêu rõ, năm 2023, Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nhanh chóng "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái"; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chính phủ đã thành lập các tổ công tác trực tiếp nắm bắt, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc ở địa phương; tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp để xử lý kịp thời các vấn đề quan trọng, cấp bách…

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD

6-2370.jpg
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo. Ảnh: VIẾT CHUNG

Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, cả năm tăng 5,05%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng 3,25% (thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 4,5%). Khu vực nông nghiệp là điểm sáng, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, năm 2023 tăng 3,83%, cao nhất trong 10 năm qua.

Báo cáo nêu bật, thu ngân sách nhà nước năm 2023 vượt khoảng 8,12% dự toán trong khi đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194.000 tỷ đồng; đồng thời tăng thu, tiết kiệm chi, đã trích lập được khoảng 560.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026.

7-2259.jpg
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh và có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022. Có 217.700 doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường, tăng 4,5% so với năm 2022. Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 12 bậc.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 6,9%; đã bố trí 8.500 tỷ đồng cho phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Báo cáo cũng nêu rõ, Chính phủ đã triển khai quyết liệt chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; qua thanh tra đã phát hiện, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước tăng 7,6%, chuyển cơ quan điều tra tăng 12,5% số vụ so với năm 2022. Các cơ quan điều tra của Bộ Công an đã thụ lý điều tra trên 1.100 vụ án với gần 3.000 bị can phạm tội về tham nhũng. Trong đó có những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.

Năm 2023, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng, bài bản, liên tục, thành công toàn diện. Đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chúng ta đã đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ và nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các nước.

8-2830.jpg
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Năm 2024: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 6-6,5%

Năm 2024, dự báo bên cạnh thuận lợi là có nền tảng vĩ mô ổn định, nền kinh tế nước ta vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chính phủ xác định chủ đề điều hành năm 2024 là “kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, trong đó tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng; quyết liệt sắp xếp đơn vị hành chính, khẩn trương hoàn thành vị trí việc làm, triển khai đồng bộ, hiệu quả cải cách tiền lương…

Cụ thể, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (6-6,5%), giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát (4-4,5%), bảo đảm các cân đối lớn; giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch; cắt giảm chi thường xuyên 5%.

Tập trung vào 3 động lực tăng trưởng; làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA với UAE, khu vực Mỹ La-tinh, tiếp tục mở rộng xuất khẩu vào khu vực châu Phi, thị trường Halal; phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng ít nhất 6% so với năm 2023.

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, phấn đấu hoàn thành mục tiêu có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025. Trong năm 2024, hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên. Nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; khởi công một số dự án đường bộ cao tốc. Chính phủ kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu.

Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững; xây dựng và triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, trong đó tập trung đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực giai đoạn 2024 - 2030. Tích cực triển khai đề án trồng 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh và huy động, sử dụng hiệu quả khoản vay 2,5 tỷ USD vốn vay ưu đãi, vốn ODA cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, năm 2024 hoàn thành tối thiểu 130.000 căn.

Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế...

Tin cùng chuyên mục